Góp ý về Qui chế quản trị doanh nghiệp

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) có ý kiến với Bản Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thay thế Thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ Tài chính như sau :

I/ Nhận xét chung: Về Dự thảo thông tư thay thế đi kèm  Dự thảo Điều lệ mẫu quản trị công ty :

* Cả Dự thảo Thông tư và Điều lệ mẫu đã có nhiều điểm tích cực về quản trị doanh nghiệp phù hợp với Luật Doanh nghiệp mới năm 2014 ;

* Tuy nhiên 2 bản Dự thảo  chưa bịt hết các lỗ hổng về quản trị doanh nghiệp, cụ thể như sau :

– Cổ đông doanh nghiệp, kể cả cổ đông lớn không có ưu thế như những người trực tiếp điều hành doanh nghiệp ( hội đồng quản trị hiện hành ) trong vấn đề lựa chọn và bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát ở nhiệm kỳ mới ;

– Thực tiễn những năm qua có tình trạng phân phối thu nhập bất công giữa cổ đông với Ban quản lý doanh nghiệp đã xảy ra tại 1 số công ty đại chúng :

+ Công ty làm ăn thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp ( dưới 5% ) nhưng thu nhập của Tổng Giám đốc và HĐQT rất cao ( chẳng hạn mỗi thành viên nhận trên 2 tỷ/năm ) trong khi cổ đông bị chết đói ( không có cổ tức tiền mặt hoặc vốn của cổ đông bị mất dần ) ;

+ Điều đặc biệt là Ban quản trị doanh nghiệp có toàn quyền phân phối thu nhập chứ không phải đại hội cổ đông ( đại hội của những chủ nhân công ty ) quyết định ;

– Việc tham gia quản trị doanh nghiệp của cổ đông bị hạn chế nhiều mặt bởi các qui định hiện hành cũng như trong dự thảo còn nhiều bất cập .

II / Góp ý cụ thể:

1/ Dự thảo Thông tư và Điều lệ mẫu cũng như qui định hiện hành chỉ cho phép Đại hội cổ đông phê duyệt thù lao của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát mà không qui định Đai hội cổ đông phê duyệt : qui chế trả lương trong doanh nghiệp, quỹ lương, mức lương bình quân, tiền lương của Ban điều hành, điều này đã dẫn tới tình trạng :

– Có 1 số doanh nghiệp, chẳng hạn như công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ ( DPM ), mức lương bình quân cao gấp 3 lần so với trong ngành, bộ máy đông và cồng kềnh, đi cùng với thu nhập rất cao từ Ban quản lý trong khi mức cổ tức mà cổ đông nhận được là rất khiêm tốn ;

– Có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay lợi nhuận thấp ( thường là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước nắm giữ ) nhưng Chủ tịch HĐQT ,  Tổng Giám đốc và vài thành viên HĐQT ( nghị gật ) tự trả cho mình mức lương trên 100 triệu đồng/ tháng, mức thưởng  cũng trên 100 triệu đồng/tháng trong khi năng lực của họ không xứng đáng làm lãnh đạo doanh nghiệp ;

– Để giải quyết những bất cập trên, cần phải tạo điều kiện về cơ sở pháp lý để toàn bộ cổ đông doanh nghiệp thực hiện được quyền quyết định của mình;

– Vì vậy đối với Quyền của cổ đông, cần qui định bổ sung như sau :

“ Đại hội cổ đông hàng năm có nhiệm vụ phê duyệt : Qui chế trả lương trong doanh nghiêp, quỹ tiền lương, tiền thưởng  trong năm, tiền lương tiền thưởng của Ban Điều hành, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát ;

2/ Góp ý tiết đ, Điểm 2, Điều 12 về quyền cổ đông trong Dự thảo Điều lệ mẫu :

– Ghi trong dự thảo “Cổ đông có quyền xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin liên quan đến cổ đông trong danh sách cổ đông đủ tư cách tham gia đại hội cổ đông..”

– Đây là 1 điểm mới trong Luật Doanh nghiệp 2014 và tăng quyền đầy đủ hơn cho cổ đông trong tiến trình quản trị doanh nghiệp, tuy nhiên ghi trong dự thảo còn hạn chế quyền của cổ đông theo Luật Doanh nghiệp 2014 ;

– Nên sửa lại như trong Luật “cổ đông có quyền xem xét tra cứu và trích lục các thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết…” như vậy với qui định này ghi trong Luật Doanh nghiệp 2014 thì cổ đông có quyền xem xét danh sách cổ đông vào bất cứ thời điểm nào, chứ không phải vào thời điểm chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ ;

– Tuy nhiên qui định mới này cần  có hướng dẫn cụ thể, bởi vì: Với công ty niêm yết, cổ đông không biết yêu cầu ai cung cấp thông tin. Nếu yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thì doanh nghiệp niêm yết chỉ có thông tin danh sách cổ đông tại thời điểm chốt danh sách cổ đông;

– Vì vậy cần yêu cầu Trung tâm lưu ký chứng khoán có nhiệm vụ cung cấp danh sách cổ đông tại bất kỳ thời điểm nào theo yêu cầu cổ đông. Việc cung cấp này có thể thực hiện tính phí hợp lý

* Qui định mới về quyền xem xét danh sách cổ đông có ý nghĩa thế nào trong quản trị doanh nghiệp :

– Qui định hiện hành không trao quyền cổ đông về quyền này, kể cả cổ đông lớn

– Và như vậy những cổ đông nắm giữ cổ phiếu dưới 5%/vốn điều lệ không có thông tin để tập hợp danh sách cổ đông có quyền biểu quyết trên 5% để cử người tham gia HĐQT và rất nhiều trường hợp bị loại ra khỏi cuộc đua vào HĐQT, kể cả trường hợp cổ đông lớn, cổ đông có tài ;

– Trong khi đó với Ban điều hành và HĐQT hiện hành,  thực tế là rất nhiều thành viên từ Chủ tịch HĐQT, đến Tổng Giám đốc nắm giữ ít cổ phần nhưng họ lại có quyền đề cử họ và các thành viên thân thích vào HĐQT ?

3/Góp ý Điểm 2 Điều 26 ( Trong Điều lệ mẫu ) quy định về Đề cử ứng viên HĐQT :

– Dự thảo qui định “….Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 5% đến dưới 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử (01) ứng viên ; từ 10% đến dưới 30% được đề cử tối đa (02) ứng viên….)

– Phân tích bất cập của qui định :

+ Nhìn chung công ty càng lớn thì tỷ lệ sở hữu của cổ đông nói chung và cổ đông lớn ngày càng giảm. Với những doanh nghiệp lớn thì khó có cổ đông sở hữu từ 3%/vốn điều lệ trở lên;

+ Trên thực tế với những doanh nghiệp có từ 9 đến 11 thành viên hội đồng quản trị, với phương thức bầu dồn phiếu thì chỉ cần nắm giữ ( hay tập hợp cổ phần ) từ 2% tới 3% tổng số cổ phần biểu quyết là đương nhiên vào HĐQT mà không cần lấy thêm phiếu từ các cổ đông khác. Nhưng đối tượng xứng đáng này đang bị loại bỏ bởi những qui định hiện hành và qui định ghi trong dự thảo, đương nhiên phần thắng và lợi thế sẽ thuộc về HĐQT hiện hành, họ không cần hội đủ trên 5% (và cũng chẳng cần có cổ phần) tổng số cổ phần có quyền biểu quyết mà họ vẫn có quyền giới thiệu họ và những người thân thích vào HĐQT và Ban Kiểm soát;

– Qui định hiện hành và qui định như trong dự thảo đang cản trở những người có vốn, có tài năng tranh cử vào HĐQT và BKS và như vậy việc đổi mới HĐQT và Ban điều hành sẽ gặp khó khăn lớn. Những bất hợp lý này cần phải được sửa đổi theo hướng :

“ Các cổ đông nắm giữ cổ phần có quyền biểu quyết trong thời hạn liên tục ít nhất (03) tháng có quyền gộp số quyền biểu quyết của từng người lại với nhau để đề cử các ứng viên HĐQT. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 2% đến 5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cừ (01) ứng viên; từ 5% đến dưới 10% được đề cử tối đa (02) ứng viên ……………………..”

– Vì thành viên HĐQT bị giới hạn không quá 11 thành viên nên Chúng ta không ngại đưa ra nhiều ứng viên để cho ĐHCĐ sáng suốt lựa chọn, đồng thời để tranh cử thắng lợi thì những người nắm giữ cổ phần ở mức tương đối thận trọng trong việc đề cử nhiều ứng viên

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133