Kiến nghị bắt buộc phải có bảo lãnh phát hành với mọi trường hợp phát hành cổ phiếu ra công chúng

Liên quan đến việc UBCKNN lấy ý kiến để sửa đổi Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 v/v qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) có góp ý về công tác bảo lãnh phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ra công chúng như sau :

1/ Tại sao lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kiểm soát các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng ?

– TTCKVN đã ra đời và hoạt động được 8 năm, tuy nhiên khoảng thời gian tốt đẹp để các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết huy động được vốn qua các đợt phát hành cổ phiếu lại không nhiều, chỉ tập trung trong 2 năm 2006, 2007. Sáu năm còn lại là những khoảng thời gian được mô tả là bắt đầu tăng truởng, suy thoái , khủng hoảng và phục hồi , trong khoảng thời gian 6 năm này thì ít có cơ hội cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ra công chúng.

– Trong 2 năm 2006, 2007 tranh thủ cơ hội TTCK tăng trưởng nóng, phong trào phát hành cổ phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng diễn ra ồ ạt, nhiều doanh nghiệp tăng vốn liên tục trong 1 khoảng thời gian ngắn. Phong trào tăng vốn ồ ạt này có một số điểm tiêu cực :

+ Một số công ty công chúng được sự tư vấn của 1 số công ty chứng khoán đã tiến hành thổi giá cổ phiếu với những hình thức như vẽ ra triển vọng của doanh nghiệp, tô hồng sự thật và hạn chế công bố những mặt tồn tại trong hoạt động của doanh nghiệp;

+ Sự dễ dãi trong việc chấp nhận các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn cùng với sự dễ dại trong việc mua cổ phần của công chúng đầu tư đã kích thích trào lưu phát hành cổ phiếu tăng vốn, tạo ra 1 nguồn cung cổ phiếu rất lớn ra thị truờng và từ đó làm cho thị trường bị bội thực về nguồn cung cùng với việc ảnh hưởng tới sức cầu cổ phiếu.

+ Rất nhiều đợt phát hành cổ phiếu với giá cổ phiếu “ trên trời “ hay thực tế việc sử dụng vốn huy động không đúng hay không đạt kết quả như trong bản cáo bạch đã làm mất lòng tin của các nhà đầu tư.

+ Như vậy  từ thực tế là không kiểm soát được nguồn cung cổ phiếu quá lớn cộng với việc mất niềm tin của các nhà đầu tư từ nhiều đợt phát hành là những nguyên nhân sâu xa và cơ bản làm cho TTCK gặp khủng hoảng như đã diễn ra trong thời gian qua.

– Từ thực tế trên mà công luận, các nhà đầu tư, các bên tham gia thị trường đã nhiều lần lên tiếng cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng, tuy nhiên vấn đề đặt ra là kiểm soát bằng cách nào cho hữu hiệu để không hành chính hoá, không tạo cơ chế xin cho, không làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo chất lượng của các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng ? Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có lời giải, vì vậy VAFI sẽ đề xuất giải pháp của mình.

2/ Kiểm soát việc phát hành cổ phiếu ra công chúng bằng giải pháp nào ?

– Trong thời gian gần đây và cho đến thời điển hiện tại, để đảm bảo sự ổn định của TTCK thì cơ quan quản lý thị trường ( UBCKNN, Bộ Tài chính , Ngân hàng nhà nước ) đã tiến hành nhiều biện pháp hành chính để làm chậm lại hoặc đình hoãn các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng. Đây có thể coi là 1 giải pháp tình thế tạm thời chấp nhận trong khi chưa tìm ra những giải pháp khả thi để thay thế. Tuy nhiên về lâu dài thì không thể và không bao giờ áp dụng những biện pháp hành chính trong việc xét duyệt các đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng vì :

+ Việc thẩm định  phương án phát hành từ công chức nhà nước thì không phải là nhân tố bảo đảm cho phương án phát hành cổ phiếu khả thi hay là phương thức để bảo vệ cho nhà đầu tư cá nhân ( xét về chất lượng của các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng ).

+ Thực tiễn trong  xét duyệt hồ sơ phát hành cổ phiếu ra công chúng của NHNN, UBCKNN, BTC trong thời gian qua kéo dài rất lâu, doanh nghiệp phải làm nhiều thủ tục không tên ( không có trong qui định của phát luật) với chi phí “ tư vấn “ rất lớn”, tuy nhiên việc xét duỵệt và để được chấp thuận trong 1 khoảng thời gian dài ( khoảng 6 tháng – 9 tháng ) không có ý nghĩa đảm bảo chất lượng cho các đợt phát hành hay mang ý nghĩa bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư mà chỉ là mang nặng cơ chế xin cho.

– Có một số ý kiến từ các nhà đầu tư , học giả lên tiếng rằng cơ quan quản lý nhà nước phải thẩm định các phương án phát hành, nếu có khả thi thì mới cho phép phát hành, tuy nhiên ai sẽ là người trực tiếp thẩm định hồ sơ – Đó là các công chức hành chính nhà nước- Sự hạn chế về kiến thức , sự không ràng buộc về tránh nhiệm của người bỏ vốn ra hay sự xung đột về quyền lợi từ cơ chế xin cho…không thể đảm bảo cho việc thẩm định phuơng án phát hành.

– Trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 14, UBCKNN có đề xuất với những trường hợp phát hành cổ phiếu ra công chúng có giá trị phát hành ( theo mệnh giá ) trên 100 tỷ thì bắt buộc phải có bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên nếu nhìn nhận kỹ thì giải pháp này còn mang tính “cải lương” và không khả thi :

+ Các doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách phát hành ra công chúng với những đợt phát hành dưới 100 tỷ.

+ Đối với doanh nghiệp lớn thì có thể phát hành làm nhiều đợt dưới 100 tỷ.

+ Đại bộ phận các công ty công chúng của ta đều có qui mô vốn nhỏ, cho nên phát hành 1 đợt trên 100 tỷ là ít xảy ra, vì vậy qui định như trên không bảo vệ quyền lợi cho đại bộ phận các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

 

– Giải pháp của VAFI : Bắt buộc bảo lãnh phát hành đối với mọi truờng hợp phát hành cổ phiếu ra công chúng mà không phân biệt qui mô của từng đợt phát hành . Việc bắt buộc bảo lãnh sẽ theo 2 hình thức :

+ Cam kết bảo lãnh 100% tổng số lượng cổ phiếu được phát hành ra công chúng ;

+ Cam kết bảo lãnh tối thiểu trên 30% của tổng số lượng cổ phiếu được chào ra công chúng

3/ Ý nghĩa của qui định bắt buộc phải bảo lãnh phát hành khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ra công chúng :

– Chỉ có doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả kết hợp với phương án phát hành khả thi ( phương án sử dụng vốn huy động được) đi kèm với giá phát hành hợp lý thì mới có quyền lựa chọn công ty chứng khoán có uy tín và tiềm lực tài chính mạnh đứng ra bảo lãnh và như vậy đợt phát hành sẽ có nhiều cơ hội thành công.

– Những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả hoặc phương án sử dụng vốn huy động không khả thi hoặc giá không hợp lý với tình hình thị trường thì sẽ không có công ty chứng khoán nào can đảm đứng ra bảo lãnh . Như vậy đặt ra qui định bắt buộc bảo lãnh phát hành khi phát hành cổ phiếu ra công chúng là đã loại bỏ đi được nhiều nguồn cung cổ phiếu không có chất lượng, loại bỏ những công ty chứng khoán yếu kém, đồng thời tăng cường trách nhiệm của công ty chứng khoán trong vấn đề phát hành cổ phiếu ra công chúng để bảo vệ công chúng đầu tư.

– Sẽ có những vấn đề mới nảy sinh như những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả thì sẽ khó huy động được vốn qua phuơng thức phát hành ra công chúng ?

+ Đúng là như vậy. Có lẽ những qui định hiện hành về phát hành cổ phiếu ra công chúng không qui định việc bắt buộc bảo lãnh phát hành thì đã vô tình nghiêng về việc ưu tiên cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội huy động được vốn mà chưa chú trọng đến yếu tố bảo vệ quyền lợi tối đa cho công chúng đầu tư.

+ Các doanh nghiệp kinh doanh chưa hiệu quả có thể huy động vốn bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác chiến lược.

+ Có thể các nhà đầu tư tổ chức là các tổ chức tài chính sẽ chưa quan tâm nhiều tới việc đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh chưa hiệu quả và như vậy thì đối tượng doanh nghiệp này phải mở cửa cho các nhà đầu tư chiến lược ( kinh doanh cùng ngành nghề) và như vậy bằng việc thay đổi qui định pháp lý về phát hành cổ phiếu ra công chúng, chúng ta sẽ thúc đẩy việc tăng cường quản trị doanh nghiệp.

– Bằng qui định mới này sẽ thúc đẩy 1 tiến trình cải thiện cơ cấu cổ đông, tăng cuờng cơ cấu phát hành riêng lẻ, tăng cường tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức trong công ty cổ phần.

– Qui định bắt buộc phải bảo lãnh phát hành khi phát hành cổ phiếu ra công chúng sẽ tạo điều kiện cho việc cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép phát hành:

+ Cơ quan quản lý thị trường chỉ cần kiểm tra các điều kiện phát hành mà không tiến hành thẩm định “ hồ sơ phát hành “, thủ tục cấp phép có thể chỉ còn 2 tuần lễ.

+ Nếu đề nghị này được chấp thuận thì trong việc cấp phép phát hành cổ phiếu ra công chúng trong lĩnh vực ngân hàng, đề nghị không có sự thẩm định hồ sơ từ phía các đơn vị của NHNN ( như chi nhánh NHHH, các đơn vị thuộc NHNN) mà duy nhất chỉ có sự kiểm tra điều kiện phát hành từ phía UBVKNN.

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133