I/ Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp mới 2014 đã trao cho cổ đông trong công ty cổ phần quyền được tập hợp thành nhóm cổ đông lớn để thực hiện rất nhiều quyền quan trọng về quản trị công ty : ( Trích Luật 2014 )
1/ ( Điểm 2 Điều 114 ) : Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc 1 tỷ lệ khác nhỏ hơn qui định tại Điều lệ công ty có các quyền sau :
– Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát ;
– Xem xét và trích lục sổ biên bản …. về các phiên họp HĐQT
– Yêu cầu triệu tập họp Đại hội cổ đông bất thường trong các trường hợp : HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao ……
– Xem xét , tra cứu và trích lục các thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết ;
2/ ( Điểm 2 Điều 138 ) : Cổ đông hoặc nhóm cổ đông qui định tại khoản 2 Điều 114 có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông….
3/ ( Điều 147 ) :….Nhóm cổ đông có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ Nghị quyết hoặc 1 phần của Nghị quyết Đại hội cổ đông trong 1 số trường hợp Nghị quyết vi phạm pháp luật…
4/ ( Điều 161 ) : Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, tổng giám đốc khi những người này vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ công ty….
II/ Thực tế trong nhiều năm qua những quyền quan trọng như trên ( của cổ đông các công ty niêm yết ) gần như bị vô hiệu hóa hoặc họ không có những quyền do Luật trao cho bởi vì họ không có danh sách cổ đông ; Họ không có bất kỳ thông tin chi tiết nào về cổ đông công ty. Nếu không có thông tin thì làm sao họ có thể liên lạc với nhau để trao đổi với nhau về những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp và quan trọng hơn là để tập hợp lại với nhau để trở thành nhà đầu tư lớn để có nhiều quyền về quản trị doanh nghiệp hoặc chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ ?
– Luật Doanh nghiệp 2005, 2014 đã cho phép họ cái quyền tiếp cận Danh sách cổ đông nhưng họ không tiếp cận được với Trung tâm Lưu ký hay Ban Điều hành doanh nghiệp ?
– Đối với các công ty niêm yết, danh sách cổ đông luôn biến động, cho nên Ban Điều hành doanh nghiệp cũng không thể thường xuyên có Danh sách cổ đông, trừ khi họ có được Danh sách khi yêu cầu Trung tâm lưu ký chứng khoán cung cấp vào những dịp như trả cổ tức, hay chốt danh sách họp ĐHCĐ ;
– Chỉ có Trung tâm lưu ký là có thể nắm toàn bộ danh sách cổ đông vào bất kỳ thời điểm nào nhưng họ không cung cấp cho cổ đông với lý do “ bảo vệ danh tính của cổ đông khác”. Tuy nhiên lý do này không được qui định trong Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán , đồng thời vi phạm quyền lợi của cổ đông ;
– Trên thực tế , nếu ai muốn có danh sách thì họ phải nhờ vả, mất tiền cho 1 số người của Trung Tâm lưu ký chứng khoán .
– Phải hiểu thế nào về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán ? Đó là tổ chức làm dịch vụ ( làm thuê ) cho nhà đầu tư và hưởng phí do nhà đầu tư trả ( nhà đầu tư trả gián tiếp cho Trung tâm lưu ký thông qua việc trả phí môi giới chứng khoán và từ đó công ty chứng khoán trích trả phí cho Trung tâm lưu ký CK ).
III/ Tại sao VAFI làm văn bản này ?
– VAFI giải thích cụ thể về Luật Doanh nghiệp để lãnh đạo Trung tâm lưu ký chứng khoán nhận thấy rằng mình đang ngăn cản quyền lợi của cổ đông, đang không thực hiện đúng các qui định của Luật Doanh nghiệp và nếu không tiếp thu thì sẽ vi phạm nghiêm trọng về Luật Doanh nghiệp, tức là không đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ;
– Mùa Đại hội cổ đông năm 2016 đang tới gần, để phục vụ chu đáo cho cổ đông thì Trung tâm Lưu ký cần triển khai ngay dịch vụ cung cấp Danh sách cổ đông cho bất cứ cổ đông nào yêu cầu vào bất cứ thời điểm nào trong năm mà không cần thêm cơ chế hướng dẫn vì Luật Doanh nghiệp đã qui định cụ thể những quyền của cổ đông công ty và không ai có thể ngăn cản được những quyền đó.