Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) gửi lời chào trân trọng tới Tân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và chúc Tân Bộ trưởng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này.
VAFI cũng phản ánh với Tân Bộ trưởng một số tồn tại lớn về công tác quản lý vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco, nơi mà Bộ Công thương đang đại diện tới gần 90% và 82% /vốn điều lệ :
1/ Cần chấm dứt ngay lập tức tình trạng trốn niêm yết tại Sabeco & Habeco :
– Sabeco & Habeco thực hiện việc cổ phần hóa được hơn 8 năm . Trong đề án cổ phần hóa của Sabeco và Habeco đều nói rõ việc cổ phần hóa gắn với việc niêm yết theo chủ trương của nhà nước nhưng Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh việc niêm yết, dù VAFI đã nhiều lần thúc giục Bộ Công thương cũng như HĐQT tại 2 doanh nghiệp này là cần phải thực hiện niêm yết để cải thiện quản trị doanh nghiệp đồng thời tạo hàng hóa có chất lượng để phát triển thị trường chứng khoán ;
– Trong 10 năm qua, Đảng và Chính phủ đã có rất nhiều chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện niêm yết, nhất là tại các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa nhưng tỷ trọng cổ phần nhà nước còn nắm chi phối ;
– Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thoái vốn nhà nước và niêm yết chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ 51/2014/QĐ-CP ngày 15/9/2014 qui định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần & đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của doanh nghiệp nhà nước :
+ Tại Điểm 2 Điều 14 của QĐ 51 qui định : “ Đối với doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo qui định tại khoản 1 Điều 14 quyết định này trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực”
+ Đối chiếu qui định trên và nhiều chủ trương chính sách trước đó, kể cả các nghị quyết đại hội cổ đông tại 2 DN này về thực hiện niêm yết thì những người quản lý vốn trực tiếp và gián tiếp tại Sabeco và Habeco đã không thực hiện chủ trương của Chính phủ, không hoàn thành nhiệm vụ mà nhà nước giao phó ;
+ Người quản lý vốn nhà nước gián tiếp và trực tiếp tại Sabeco và Habeco là những ai ? Là Thứ trưởng được giao quản lý vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco, là cán bộ lãnh đạo tại vụ tổ chức, Ban đổi mới doanh nghiệp tại Bộ Công thương, là thành viên HĐQT được giao nhiệm vụ quản lý vốn . Theo qui định hiện hành họ được giao nhiệm vụ để quản lý vốn nhà nước và họ phải thực hiện những quyết sách lớn của chính phủ chứ không có quyền từ chối thực hiện những quyết sách đó vì họ không sở hữu vốn ;
– Tại sao lại có tình trạnh cố tính trốn tránh niêm yết và không thực hiện nhiệm vụ mà nhà nước giao phó tai Sabeco và Habeco ?
+ Những người quản lý vốn không thích sự minh bạch ;
+ Do lợi ích cục bộ ? Có đúng vậy không khi đông đảo nhà đầu tư thấy rằng Bộ Công thương cử cán bộ kinh doanh thua lỗ hang trăm tỷ từ 1 doanh nghiệp khác về làm thành viên HĐQT và cán bộ nòng cốt trong Ban điều hành tại Sabeco ?
+ Hay như việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT tại Sabeco trong nhiều nhiệm kỳ : Chủ tịch HĐQT theo đúng nghĩa phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải rất giỏi về quản trị doanh nghiệp, phải có nhiều thành tích về quản trị doanh nghiệp và phải có uy tín cao trong doanh nghiệp, thế nhưng Bộ Công thương lại cử Vụ trưởng về làm chủ tịch mà những vị này trước đó không 1 ngày làm tại doanh nghiệp ?
– Những việc như trốn tránh niêm yết, cử người không đủ năng lực làm người quản lý vốn nhà nước hay lợi ích cục bộ….làm yếu kém công tác quản trị doanh nghiệp và làm giảm giá trị doanh nghiệp, tệ hại hơn là đẩy dần doanh nghiệp vào tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ.
– Cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk nhưng nay, ngược lại lợi nhuận Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco. Sau hơn 8 năm cổ phần hóa, Sabeco và Habeco tăng trưởng rất chậm mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn ;
2/ Đề xuất bán hết cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco :
– Giao thông công cộng tại Hà Nội & TP Hồ Chí Minh ngày càng ùn tắc và có thể kéo dài vài chục năm theo xu hướng xấu hơn vì nhà nước thiếu vốn để đầu tư nhanh hệ thống Tàu điện đô thị ; Hà nội và TP Hồ Chí Minh đã trở thành những đô thị nổi tiếng nhất thế giới về sử dụng xe máy, về vỉa hè bị mất đi nhường chỗ cho xe máy…
– Tuy nhiên nếu chúng ta năng động hơn, thông minh hơn, tất cả mọi người, mọi tổ chức đều sống và làm việc có trách nhiệm cộng đồng thì tình trạng giao thông tắc nghẽn sẽ nhanh chóng được cải thiện .
– VAFI thấy rằng Bộ Công thương nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Đấu toàn bộ cổ phần nhà nước tại 1 lần đấu giá nhằm gia tăng tối đa giá trị tại Sabeco và Habeco . Không áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá;
– Số tiền thu được dự tính trên 3 tỷ đô la, đủ tiền để tiến hành ngay việc xây dựng tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội . Một khi Hà Nội có 4 tuyến đường sắt trong 7 năm nữa thì sẽ có nhiều điều kiện để phát triển nhanh hệ thống giao thông công cộng, giảm nhanh việc sử dụng hàng triệu xe máy và lúc đó Hà Nội sẽ xanh, sạch đẹp hơn nhiều so với hiện nay . Với viễn cảnh đầy khả thi như vậy thì Bộ trưởng chọn phương án nào ? Chắc không thể có chuyện Bộ Công thương hay nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần đa số tại Sabeco và Habeco.
– Tháng 10/2015 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho SCIC thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả như Vinamilt , FPT, nhựa Tiến Phong, nhựa Bình Minh, Bảo hiểm Bảo Minh,….Như vậy chủ trương chính phủ đã rõ và việc bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco là vấn đề không còn bàn cãi, đòi hỏi Bộ Công thương phải chủ động hơn, năng động hơn, tích cực hơn.
3/ Mong Tân Bộ trưởng sẽ là Bộ trưởng hành động, nói ít làm nhiều nhưng phải hiệu quả, không chung chung, không nói mục đích ý nghĩa mà phải luôn có giải pháp thiết thực :
– Nói về thành tích cổ phần hóa và niêm yết chứng khoán ở Bộ Công thương thì nguyên Bộ trưởng Hoàng Trung Hải và nguyên Chủ tịch Petro Việt Nam Đinh La Thăng ghi dấu ấn sâu đậm
– Nguyên Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đã có sáng kiến cổ phần hóa đồng thời hàng trăm doanh nghiệp. Nguyên Bộ trưởng cũng tiếp thu những ý kiến VAFI góp ý về việc bán bớt phần vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp của Bộ Công nghiệp để tạo hàng hóa cho thị trường chứng khoán ;
– Ông Đinh La Thăng cũng thúc mạnh việc cổ phần hóa gắn với niêm yết hàng loạt các đơn vị thành viên , kể cả 1 số doanh nghiệp rất lớn thời đó như Đạm Phú Mỹ, PV gas….
– Khi ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng giao thông thì cũng có thành tích đưa Bộ Giao thông là đơn vị dẫn đầu của cả nước về phong trào cổ phần hóa mặc dù Bộ giao thông có nhiều doanh nghiệp xương xẩu .
– Bộ Công nghiệp vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước hơn tất cả các bộ ngành địa phương nhưng trong hơn 5 năm qua phong trào cổ phần hóa đi xuống và có thể nói là không có nỗ lực thực hiện, lãnh đạo Bộ cũng không mấy quan tâm đến đổi mới doanh nghiệp .
– Mong tân Bộ trưởng sẽ noi theo các tấm gương nêu trên và trước hết giải quyết nhanh chóng việc Sabeco và Habeco niêm yết, đồng thời tổ chức bán hết phần vốn tại các doanh nghiệp . Liệu tân Bộ trưởng có giải quyết nhanh việc này hay lại như người tiền nhiệm là không quan tâm ? Nếu VAFI là Bộ trưởng công thương thì những vấn đề tồn tại của Sabeco và Habeco chỉ giải quyết trong vòng 1 phút, người quản lý vốn nào không thực hiện hay chậm trễ tìm cách trì hoãn thì cách chức ngay lập tức. VAFI nghĩ rằng phải có phương châm hành động như vậy thì bộ máy mới vận hành nhanh được ;