Trong những ngày qua đã xảy ra cơn sốt giá vàng để lại nhiều hậu quả mà như báo chí mô tả đã diễn ra “cơn điên loạn của giá vàng”, nhiều người dân không am hiểu về đầu tư vàng và kinh tế vỹ mô đã đổ xô đi mua vàng ở giá rất cao, cao hơn cả giá thế giới , vấn đề đặt ra là tại sao họ không mua vàng ở giá thấp mà cứ mỗi khi xảy ra sốt vàng thì lại đổ xô đi mua ? Cơn điên loạn của giá vàng đã gây hậu quả là VND yếu đi, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối , gây căng thẳng giả tạo về quan hệ cung cầu ngoại tệ….đồng thời ảnh hưởng tới niềm tin của người dân , đến khả năng bình ổn thị trường ngoại tệ mà NHNN đang cố gắng thực thi .
Từ tình hình thực tế đó, thể hiện Bản Dự thảo Nghị định về quản lý thị trường vàng mà NHNN công bố cách đây vài tháng đã không đi đúng hướng , không khả thi :
+ Ngay khi NHNN công bố Bản Dự thảo mới, (thay thế Bản Dự thảo cũ với nội dung cơ bản là xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng theo hướng không cho phép người dân được mua vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của người dân bằng hình thức NHNN sẽ mua vàng theo giá quốc tế ) thì giao dịch kinh doanh vàng miếng tăng dần ;
+ Bản Dự thảo mới không thể hiện các giải pháp chống đầu cơ hữu hiệu, không chỉ ra được con đường để kết thúc tình trạng vàng hóa nền kinh tế .
Với cơn sốt vàng vừa qua, công luận đã phản ánh rất nhiều những bất cập của chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay, chưa đồng tình với Dự thảo Nghị định về quản lý thị trường vàng; Các chuyên gia kinh tế, các học giả đã kiến nghị đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng chính sách mới. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI ) cũng xin đóng góp ý kiến nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu để nhanh chóng kết thúc tình trạng vàng hóa nền kinh tế :
1/ Để có 1 Nghị định về quản lý thị trường kinh doanh vàng miếng khả thi hữu hiệu, trước hết cần phải xác định những mục tiêu cụ thể mà chính sách cần đạt được là gì ?
– Từng bước chuyển số vàng dự trữ trong dân sang khu vực sản xuất kinh doanh và làm tăng kho dự trữ ngoại hối của nhà nước bằng các biện pháp kinh tế với nguyên tắc phải đảm bảo lợi ích thiết thực của người dân: Lượng vàng trong dân chỉ có thể giảm dần theo thời gian mà không tăng lên ;
– Phải có những giải pháp để giải quyết tận gốc tình trạng đầu cơ vàng, không để xảy ra một cơn sốt vàng nào nữa ;
– Giá vàng trong nước có thể tăng giảm theo giá thế giới nhưng sự biến động về giá này không tạo ra làn sóng đầu tư , đầu cơ vàng, không ảnh hưởng tới chính sách tỷ giá. Cơn biến động giá vàng quốc tế vừa qua hầu như đã không tác động tới chính sách tỷ giá của đa phần các quốc gia trên thế giới , có lẽ duy nhất chỉ có VN bị ảnh hưởng ;
– Những “Danh hiệu” không giống ai mà lịch sử kinh tế để lại như “là một trong 10 quốc gia tiêu thụ nhiều vàng nhất trên thế giới” hay “VN là quốc gia có nhiều người dân kinh doanh và sở hữu nhiều vàng nhất trên thế giới” cần được chuyển hóa :
+ VN là 1 nước nghèo, rất cần vốn và ngoại tệ để phát triển kinh tế thế nhưng hiện có hàng chục tỷ USD bị “đóng băng” hay ở tình trạng vốn chết ;
+ Vàng, Ngoại tệ phải được chuyển hóa và tập trung trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nếu đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân thì luôn là mối đe dọa tiềm ẩn cho kinh tế vỹ mô, cho lạm phát….
Về phần mục tiêu của chính sách quản lý vàng đã rõ ràng, chắc là tất cả nhà quản lý, người dân, chuyên gia đều thống nhất. Việc hoạch định các giải pháp để quản lý thị trường vàng cần phải đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra.
2/ Phân tích tính khả thi các giải pháp được đề xuất trong chính sách quản lý thị trường vàng :
2.1. Cho phép thành lập 1 Sàn giao dịch vàng tập trung dưới sự quản lý của NHNN :
* Đề xuất này đến từ Hiệp hội kinh doanh vàng và một số chuyên gia, học giả kinh tế nhằm mục tiêu :
– Để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, giá cả trong nước biến động theo sát giá quốc tế & không có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế ;
– Không xảy ra các cơn sốt giá vàng ;
– Người dân nắm giữ chứng chỉ vàng sẽ thuận tiện hơn nhiều so với nắm giữ vàng vật chất,
– Tính thanh khoản trong giao dịch mua bán vàng cao hơn ;
* Phản biện của VAFI :
– Việc lập sàn giao dịch vàng tập trung chỉ khác so với các sàn giao dịch vàng tự do trước đây ở chỗ thống nhất lại thành 1 sàn vàng, hoạt động theo qui tắc luật lệ mà nhà nước ban hành, có thể khác ở tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính, còn về bản chất không có gì thay đổi so với trước kia ;
– Các sàn vàng tự do trước đây đã gây tác hại gì cho người đầu tư :
+ 99% người dân tham gia sàn vàng đều thua lỗ, gần như mất trắng số tiền đã bỏ vào sàn vàng ; Có lẽ đã có hàng vạn người thua lỗ vì dính đến sàn vàng ;
+ Chỉ có người kinh doanh sàn vàng là thu được lợi nhuận siêu ngạch, những người tham gia kinh doanh sàn vàng thường rất tỉnh táo, có lẽ họ không bao giờ là nhà đầu tư vàng vì họ biết chắc là nguy hiểm thua lỗ ;
+ Những người đã chót dính vào sàn vàng như người nghiện ma túy, chỉ đến khi thua đau, mất nhiều tiền thì mới tỉnh táo ;
+ Hậu quả của tham gia sàn vàng còn nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều so với chơi cờ bạc ;
– Việc thành lập sàn giao dịch vàng tập trung sẽ không ngăn chặn được các hậu quả như trên và không đáp ứng được các mục tiêu đề ra :
+ Cổ vũ tiếp thị cho việc kinh doanh vàng tài khoản thì làm sao chống được vàng hóa. Chống vàng hóa phải đồng nghĩa với việc ngày càng giảm số người sở hữu kinh doanh vàng ;
+ Cũng như kỹ nghệ làm giá trong thị trường chứng khoán, sẽ có đầu cơ tạo sóng về giá vàng và hoàn toàn có khả năng thay đổi tỷ giá VND mà giá vàng trong nước vẫn phù hợp với giá vàng thế giới ;
+ Trên thế giới có 1 số sàn vàng hay vàng được kinh doanh trong các Sở giao dịch hàng hóa nhưng nhà đầu tư vàng chỉ giới hạn là 1 số tổ chức chứ không phải là nhà đầu tư cá nhân như ở ta .
– Đề xuất về việc thành lập sàn vàng tập trung là không mới, đã được thử nghiệm thực tế trong mấy năm và không mang lại lợi ích kinh tế mà ngược lại gây nhiều bất ổn cho nền kinh tế .
2.2. Tiếp tục cho phép hệ thống ngân hàng thương mại được vay vàng của dân và cho phép ngân hàng thương mại bán số vàng đã huy động :
* Đề xuất này từ giới kinh doanh vàng với mục tiêu :
– Để huy động vàng trong dân , không để vàng chết ?
– Ngân hàng thương mại được bán số vàng huy động để bình ổn thị trường, tránh nhập khẩu vàng, gây lãng phí và ảnh hưởng tới tỷ giá ?
* Phản biện từ VAFI :
– Huy động vàng trong dân để một số tổ chức tín dụng có điều kiện cho vay vàng, vấn đề là cho vay vàng với mục đích gì ?
+ Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính không thể vay vàng, để từ đó chuyển thành VND hay USD đưa vào sản xuất kinh doanh, vì cách thức huy động vốn này cực kỳ nguy hiểm, trong thời điểm hiện nay không ai có thể dự đoán được sự biến động của giá vàng, kể cả các tổ chức kinh doanh vàng trong nước ;
+ Một phần số vàng huy động được từ dân cư được các tổ chức kinh doanh vàng vay;
– Đề xuất này đã được NHNN bãi bỏ trong lộ trình chống vàng hóa là đúng vì :
+ Còn quan hệ vay mượn tức là còn duy trì thị trường vàng ;
+ Đây có thể là dư địa của đầu cơ siêu lợi nhuận : Giới kinh doanh vàng có thể tạo sóng nhân 1 sự kiện nào đó và sử dụng số vàng huy động để nhanh chóng thu lợi nhuận siêu ngạch ;
2.3. Đề xuất cho phép doanh nghiệp kinh doanh vàng được tự do xuất nhập khẩu vàng mà không cần giấy phép:
* Với lý lẽ :
– Coi vàng là hàng hóa và để cho vàng vận động theo cơ chế thị trường linh hoạt ;
– Sẽ giảm thiểu tình trạng giá vàng trong nước có sự chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới ;
* Phản biện của VAFI :
– Hàng hóa thông thường như ximăng, sắt thép, phân bón….đang được tự do xuất nhập khẩu mà thỉnh thoảng còn xảy ra những cơn sốt, huống chi là vàng ; Vàng là hàng hóa đặc biệt, kinh doanh vàng là kinh doanh tiền tệ, chỉ cần 1 cơn sốt như vừa qua thôi đã gây ra nhiều hậu quả ;
– Đề xuất như trên không đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra ;
2.4. Đề xuất cho phép một số tổ chức kinh doanh vàng được kinh doanh vàng tài khoản :
* Với mục tiêu :
– Nhập khẩu vàng thì rất tốn kém ngoại tệ mà phản ứng chậm với cơn sốt vàng ;
– Dập tắt nhanh được các “đám cháy” ;
* Phản biện của VAFI :
– Đề xuất này cũng không đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra ;
– Những tổ chức được giao chức năng này có thể lạm dụng chức năng để gặt hái lợi nhuận siêu ngạch ;
– NHNN có thể trực tiếp vận dụng sáng kiến này trong những trường hợp cần thiết.
2.5. Giải pháp cuối cùng :
– Bản Dự thảo Nghị định cũ về quản lý thị trường vàng có những nội dung chủ yếu :
+ Cấm mua vàng miếng ;
+ Chỉ có NHNN có chức năng thu mua vàng miếng từ khu vực dân cư ( thông qua hệ thống đại lý được cấp phép ).
– Bản Dự thảo này đã đáp ứng được tất cả các mục tiêu của chính sách kiểm soát thị trường vàng, thông điệp này được phát đi từ NHNN, tuy chưa thành chính sách nhưng đã tác động lớn đến thị trường vàng :
+ Giao dịch kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đã giảm 70% ;
+ Tính thanh khoản của thị trường bị giảm sút nhanh chóng, mảnh đất cho đầu cơ đã gần như không còn tồn tại;
– Phải nói rằng Bản Dự thảo cũ là 1 phát minh lớn trong ngành ngân hàng VN :
+ Trước khi Bản Dự thảo này ra đời, VAFI và nhiều người trong giới tài chính ngân hàng đều cảm nhận rằng rất khó khăn trong việc chống vàng hóa, đô la hóa và đều chưa nghĩ ra những giải pháp hữu hiệu ;
+ Bản Dự thảo cũ ra đời phát đi thông điệp chính sách của NHNN và càng ngày càng có hiệu quả trong cuộc sống, VAFI nhận thấy “ đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm của con đường kết thúc vàng hóa ”;
+ Dư luận chưa rõ tác giả của giải pháp này là ai nhưng đây là 1 giải pháp đơn giản và hiệu quả vô cùng ( xét về hiệu quả kinh tế ), tuy nhiên cuối cùng thì giải pháp này chưa được thực hiện mà thay bằng giải pháp khác và không hiểu lý do tại sao ?
3/ Kết Luận :
– Trong văn bản này, VAFI không có sáng kiến để kiến nghị, mà chỉ phân tích phản biện tất cả các giải pháp được đề xuất về chính sách kiểm soát thị trường vàng . Tất cả những đề xuất trên đều đã từng tồn tại , đã được kiểm nghiệm trên thực tế và “giải pháp cuối cùng” là lựa chọn duy nhất, có lẽ không còn giải pháp hữu hiệu nào, vừa làm vừa lòng tất cả các bên lại vừa hữu hiệu trong kiểm soát thị trường vàng.
– Thực tế đã chỉ ra rằng kinh doanh vàng là kinh doanh tiền tệ, là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trong một số trường hợp là nguồn gốc của bất ổn tỷ giá, lạm phát, lòng tin…Cho nên đòi hỏi phải có ngay chính sách kiểm soát hữu hiệu;
– Cơn sốt vàng vừa qua không phải do yếu tố kinh tế vỹ mô trong nước bất ổn (Các chỉ tiêu cân đối vỹ mô đang tốt dần lên), giới đầu cơ đã nhân cơ hội giá vàng quốc tế biến động cộng với việc chưa có chính sách kiểm soát thị trường vàng của nhà nước để tạo sóng, làm căng thẳng thị trường tiền tệ trong thời gian ngắn và tác động thay đổi tỷ giá, thực tế này cần phải nhanh chóng chấm dứt ;
– Về “giải pháp cuối cùng”, chắc một số người chưa thích hình thức cấm đoán mua vàng, bởi vì họ quan niệm rằng vàng là phương tiện trú ổn để phòng tránh các bất ổn vỹ mô, sau này nếu giá vàng giảm mạnh thì còn đâu cơ hội mua vào ? Nếu nhiều người đều có suy nghĩ như vậy thì lấy đâu ra vàng ngoại tệ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân ? Và có thể lại gây nên cơn sốt vàng, ngoại tệ làm tỷ giá thay đổi nhân cơ hội sự kiện nào đấy…. Trong quản lý kinh tế, cấm kinh doanh những ngành nghề có hại cho nền kinh tế là chuyện đương nhiên, không thể có sự tự do kinh doanh ở những lĩnh vực nhạy cảm để rồi cơ quan quản lý nhà nước trở lên bất lực ? Và hậu quả là tất cả người dân chịu thiệt, kể cả những người đầu tư vàng, ngoại tệ ?