Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) xin đi sâu phân tích những tổn tại cơ bản của Dự thảo Luật Đầu tư (Dự thảo mới nhất của Chính phủ trình Quốc Hội), những phân tích này dựa trên cơ sở đối chiếu với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và các Luật chuyên ngành để chỉ rõ nhiều thủ tục hành chính mới phát sinh cho hầu như bất kỳ dự án đầu tư nào và sẽ có rất nhiều dự án đầu tư phải được thẩm định thông qua việc bổ sung một số tổ chức thẩm định mới ( ngoài các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành )
1/ Về phân loại lĩnh vực đầu tư :
Điều 28, 29,30 của Dự thảo LĐTC đã phân thành 3 lĩnh vực : Khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và cấm đầu tư .VAFI nhận thấy cần sử dụng nguyên tắc phân loại này để đề ra nguyên tắc phân loại các Dự án đầu tư cho đúng với vị trí của 1 dự án .( DA quan trọng quốc gia, DA quan trọng, DA phổ thông có điều kiện và DA phổ thông) và có căn cứ xem xét tính chất của dự án có nên thẩm định hay chỉ đơn thuần đăng ký đầu tư.
2/ Về phân loại Dự án đầu tư :
2.1/ Tiêu chí xác định Dự án quan trọng quốc gia (Điều 50):
– Dự án có nguồn vốn không phải ngân sách nhà nước trên 20.000 tỷ đồng được coi là DA quan trọng quốc gia và phải trình chủ trương lên Quốc Hội là chưa có căn cứ, ta không thể xét về qui mô lớn của DA .
Ví dụ : Một số Dự án xây dựng đô thị mới hiện nay đã có qui mô trên 1 tỷ đô la được thực hiện trong nhiều năm, trong tương lai gần nhu cầu xây dựng những khu đô thị một vài tỷ đô la là rất nhiều. Đề nghị bỏ tiêu chí về qui mô vốn.
– Tiêu chí “ Phải di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên “ cũng nên bỏ vì :
+ Hiện nay tại các đô thị lớn nhu cầu giải phóng mặt bằng để mở đường, làm đường là có rất nhiều dự án và phải giải toả rất nhiều hộ, chưa nói trong tương lai cần xây dựng đường sắt trên cao…
+ Để xây dựng những Đô thị hiện đại thì cần đập bỏ những khu nhà cũ, xây những khu chung cư cao tầng hiện đại. Nếu chúng ta có cơ chế tốt thì việc xây dựng các khu đô thị mới hiện đại là không khó dựa trên cơ sở đền bù thoả thuận theo giá thị trường giữa nhà đầu tư và người dân.
– Các tiêu chí như trên chưa thể xếp vào DA quan trọng quốc gia được, vấn đề cơ bản của nhà nước là hoạch định chính sách để tăng cường thu hút đầu tư đồng thời đảm bảo được về quản lý nhà nước, quản lý ngành. Đề nghị các tiêu chí trên nên được xác định trong Dự án quan trọng
2.2/ Xét những tiêu chí xác định Dự án quan trọng(Điều 51):
– Điểm 2 qui định DA không sử dụng vốn nhà nước từ 800 tỷ đồng trở lên ở ngành năng lượng, cơ khí chế tạo, khai thác chế biến… coi là DA quan trọng thì cần xem xét lại vì :
+ Theo qui định của Luật Điện lực, tư nhân xây nhà máy điện phải xin phép Bộ Công nghiệp và Tổng Công ty điện lực, nay ( theo dự thảo )có thể lại qua Bộ Kế hoạch và đầu tư, Văn phòng chính phủ để thẩm định để trình Thủ tướng CP. Như vậy qui trình thẩm định sẽ kéo dài và không cần thiết trong khi chúng ta đang thiếu điện và rất cần khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng nhà máy điện, như vậy là Dự thảo LĐTC xung đột với Luật chuyên ngành.
+ Hiện nay bất kỳ thành phần kinh tế nào xây dựng bệnh viện cũng đều phải xin phép Bộ Y tế và UBND tỉnh, theo DT Luật, phải thêm sự thẩm định của các Bộ và Văn phòng Chính phủ, như vậy thủ tục đầu tư sẽ trở lên rất phức tạp khiến các nhà đầu tư e ngại. Hiện nay “ thủ tục hành chính” đang được coi là 1 rủi ro kinh doanh lớn đối với các nhà đầu tư, DA phải qua nhiều cơ quan thẩm định, chỉ cần 1 cơ quan không đồng ý là có thể dấn tới khó khăn hoặc không thành công cho DA.
+ Hiện nay ngành xi măng đã được Bộ Xây dựng qui hoạch, việc xây dựng nhà máy xi măng phải xin phép Bộ Xây dựng, nếu theo DTLĐTC thì phải thêm vài cơ quan thẩm định nữa, như vậy có cần thiết hay không ?…
+ Việc xác định là “ Dự án quan trọng” thì cần phải đối chiếu với các Luật chuyên nghành. Dự thảo Luật ĐTC không thể xung đột với các Luật chuyên ngành.
– Điểm 3b qui định DA không sử dụng vốn nhà nước để xây dựng và khai thác cảng biển là Dự án quan trọng , điểm này cần xem xét lại vì trùng lắp với Luật Hàng Hải :
+ Theo Luật Hàng hải, Bộ Giao thông có trách nhiệm lập quy hoạch hệ thống cảng biển, qui hoạch xây dựng các cảng biển mới và những qui hoạch này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
+ Hiện nay, tư nhân xây cảng đều phải xin phép chính quyền địa phương, Cục Hàng Hải, Bộ Giao thông… như vậy là đã có rất nhiều cơ quan chuyên ngành xem xét thẩm định, nếu theo Dự thảo LĐTC phải thêm sự thẩm định từ vài cơ quan nữa thì e rằng rất phức tạp, chúng ta không nên đẩy nhiều sự vụ lên Thủ tướng chính phủ mà quan trọng là giao cơ quan quản lý chuyên nghành chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
– Dự án kinh doanh vận tải đường biển cũng không thể coi là DA quan trọng, đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện , Luật hàng hải đã qui định rất cụ thể về việc cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này.
– Điểm 3d Điều 51 qui định các dự án không sử dụng vốn nhà nước trong lĩnh vực Ngân hàng, Bảo hiểm, tài chính thì được xác định là “ Dự án quan trọng”, điểm này cần loại bỏ vì :
+ Luật chuyên ngành về Bảo hiểm, Luật các tổ chức tín dụng đã qui định rất chặt chẽ về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức Ngân hàng, Bảo hiểm. Việc thành lập và những hoạt động quan trọng của các tổ chức này đều phải xin phép Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước, các dự án đầu tư, hay việc tăng vốn điều lệ …. cũng phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước. Nếu theo dự thảo LĐTC thì các tổ chức này phải xin phép thêm nhiều cơ quan nhà nước khác không có chức năng quản lý chuyên ngành, như vậy có thật sự cần thiết cho quản lý nhà nước hay không trong khi các cơ quan đó không am hiểu về lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng ?
+ Các dự án của tư nhân trong ngành tài chính cũng được xác định là “ Dự án quan trọng” là không có căn cứ. Dịch vụ tài chính bao gồm rất nhiều ngành nghề hẹp như kế toán, kiểm toán, chứng khoán….các dịch vụ này hiện đã được điều chỉnh bởi các Luật chuyên ngành, và chẳng nhẽ thành lập 1 công ty kiểm toán cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ?
– Điểm 3đ qui định dự án trong Dịch vụ bưu chính viễn thông được xác định là “Dự án quan trọng” , điểm này cũng cần xem xét lại vì dịch vụ bưu chính viễn thông rất đa dạng và được qui định chặt chẽ bởi Luật chuyên ngành do Bộ Bưu chính viễn thông quản lý, quản lý loại hình dự án này cũng không thể xếp vào Luật đầu tư chung được .
– Điểm 3g qui định việc thành lập các Viện nghiên cứu khoa học mà không sử dụng nguồn vốn nhà nước thì được xác định là “ Dự án quan trọng “, điểm này nên bỏ . Chúng ta đang khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ từ nhiều nguồn vốn của các thành phần kinh tế để giảm thiểu bao cấp nhà nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Việc thành lập và hoạt động các Viện Khoa học đã có qui định chuyên ngành do Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước. Lĩnh vực này hiện nay rất khó thu hút đầu tư vì khó sinh lời. Nếu xác định là dự án quan trong, kèm theo nhiều thủ tục hành chính phức tạp thì e rằng sẽ không có ai hoặc ít người bỏ vốn để làm nghiên cứu khoa học .
– Điểm 3 h qui định các dự án sản xuất thuốc chữa bệnh cho người được xác định là dự án quan trọng, điều này cần xem xét lại vì việc quản lý thuốc đã được qui định bởi Luật chuyên ngành do Cục quản lý Dược và Bộ Y tế quản lý cấp phép, đành rằng các dự án về sản xuất thuốc là rất quan trọng và cần chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước, tuy nhiên không nên để thêm các cơ quan nhà nước khác không am hiểu về dược phẩm tham gia thẩm định dự án . Quản lý nhà nước không nên trùng lắp và cần giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên ngành.
2.3/ Xét những tiêu chí xác định Dự án phổ thông có điều kiện (Điều 52):
– Điểm 3 qui định Dự án sử dụng vốn đầu tư nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên được xác định là DA phổ thông có điều kiện, cần xem xét lại :
+ Tại điểm 8 Điều 4 của Dự thảo Luật qui định “ Vốn đầu tư nhà nước bao gồm vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước; vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn tín dụng đầu tư do nhà nước bảo lãnh; vốn đầu tư phát triển của DNNN và vốn đầu tư nhà nước tham gia vào các dự án khác”
+ Trường hợp nhà đầu tư tư nhân, DNNN cổ phần hoá… xây dựng nhà máy điện…. và được vay trên 100 tỷ theo chế độ tín dụng ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển. Khoản vay này được Quỹ thẩm định mới quyết định cho vay, tuy nhiên để được vay , dự án lại phải được thẩm định của cơ quan đầu tư nữa, như vậy có hợp lý hay không ? Nếu xảy ra rủi ro thì Quỹ chịu trách chứ không phải cơ quản quản lý đầu tư, vì vậy cần xem lại tiêu chí này, bởi vì nếu có quá nhiều cơ quan thẩm định thì sẽ làm ngần ngại việc đầu tư, dẫn tới tình trạng khó thu hút đầu tư vào những lĩnh vực và địa bàn cần thu hút đầu tư. qua đây cũng cần xác định lại về khái niệm “ vốn đầu tư nhà nước “ cho rõ ràng.
– Điểm 4 qui định Dự án không sử dụng vốn nhà nước từ 300 tỷ đồng trở lên được xác định là Dự án phổ thông có điều kiện và phải qua các Bộ Trung ương thẩm định để cấp phép đầu tư, qui định này không có căn cứ và không thuyết phục :
+ Trường hợp doanh nghiệp xây khách sạn, cao ốc văn phòng…qui định hiện nay là phải xin phép UBND tỉnh, thành phố ( có nhiều trường hợp xin phép Bộ chuyên ngành và Bộ Xây dựng) để thẩm định về quy hoạch đô thị , về thiết kế về an toàn xây dựng, môi trường… Nếu theo Dự thảo LĐTC thì sẽ phải xin thêm thủ tục của các Bộ Trung ương nữa, phải chờ các cơ quan TW thẩm định thì mới có giấy phép đầu tư, như vậy qui trình thẩm định sẽ kéo dài và không cần thiết. Dự án của doanh nghiệp tư nhân là do Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông quyết định về tính khả thi của dự án, việc xây dựng dự án phải đảm bảo quy hoach đô thị, an toàn xây dựng và tiêu chuẩn môi trường, những vấn đề này đã có các cơ quan quản lý nhà nước địa phương chịu trách nhiệm, nay doanh nghiệp lại phải qua thêm 1 vài cơ quan thẩm định nữa, liệu những thủ tục này có hợp lý hay không ?
+ Trường hợp nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu trong Khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có qui mô dự án trên 300 tỷ đồng và giải quyết được hàng ngàn lao động. Theo Dự thảo LĐTC, những dự án này được đặc biệt khuyến khích, tuy nhiên loại dự án này phải được thẩm định để cấp giấy phép đầu tư, như vậy có khuyến khích đầu tư hay không ? có giảm phiền hà cho nhà đầu tư hay không ? có hỗ trợ nhà đầu tư hay không ? Mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất đều có Ban quản lý riêng, họ đều thừa biết rằng tính chất của từng dự án có phù hợp với quy hoạch sử dụng của khu công nghiệp hay không thì mới cho nhà đầu tư thuê đất, vậy vì lý do gì dự án phải chịu sự thẩm định ? Tại sao nhà đầu tư phải lập Giải trình kinh tế – kỹ thuật để cơ quan thẩm định xét duyệt ? Liệu sự thẩm định của cơ quan nhà nước có tư vấn được cho nhà đầu tư không ? Có bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư và các cổ đông không ? Hoàn toàn không thể .
3/ Bình luận về việc Đăng ký đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
– Điều 60 qui định các dự án phổ thông thì nhà đầu tư buộc phải đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư – Đây là 1 loại giấy phép, không có loại giấy phép này thì nhà đầu tư vi phạm Luật – Điều đáng nói là Luật Khuyến khích đầu tư hiện hành không có loại giấy phép này và từ bao năm nay các doanh nghiệp không phải mất thời gian, tiền bạc để lấy loại giấy phép này.
– Điểm 2 Điều 60 qui định các dự án phổ thông của nhà đầu tư trong nước nếu không thuộc diện ưu đãi đầu tư và có qui mô dưới 5 tỷ đồng thì chỉ cần đăng ký đầu tư theo mẫu, mà không cần có giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong số 200.000 dự án đầu tư trong những năm vừa qua, thì có tới 90% dự án dưới 5 tỷ đồng. Theo lời giải thích này thì có vẻ hầu như nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ được đặc ân không phải đi xin giấy chứng nhân đăng ký đầu tư.
– Tuy nhiên không phải như vậy, Điều 42 qui định “cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý đầu tư xem xét và cấp ưu đãi đầu tư. Các ưu đãi đầu tư được qui định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy phép đầu tư”. Như vậy là các Dự án phổ thông dưới 5 tỷ đồng muốn có ưu đãi đầu tư thì phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chứ không được tự do đâu. Như vậy là đa số dự án đầu tư dưới 5 tỷ đồng sẽ phải làm thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Tại sao cơ quan soạn thảo không thiết kế việc xét ưu đãi đầu tư do cơ quan thuế địa phương thực hiện căn cứ vào kết quả đầu tư ?
– Điều 74 của Dự thảo qui định về điều chỉnh dự án đầu tư “ Việc điều chỉnh dự án đã được quy định tại Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư liên quan đến thay đổi mục tiêu, quy mô, công suất, địa điểm, chuyển đổi hình thức đầu tư, chuyển nhượng vốn hoặc dự án, thay đổi thời hạn dự án phải được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận”. Qui định này sẽ trở lên rất phức tạp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc triển khai và thực hiện dự án :
+ Trong đời sống doanh nghiệp, việc thay đổi mục tiêu, quy mô, công suất , địa điểm…của dự án là chuyện bình thường để cho hoạt động của dự án phù hợp với tình hình của thị trường, tuy nhiên những thay đổi này phải được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi không hiểu vì sao phải xin phép ? Thời gian để thông qua sự chấp thuận là bao lâu ?
+ Hiện nay đại bộ phận các doanh nghiệp nhỏ đều không có mặt bằng sản xuất và phải đi thuê, dây chuyền sản xuất liên tục phải di chuyển, chẳng lẽ mỗi lần như vậy phải đi xin phép trong khi nhà nước đã có nhiều văn bản qui định về quản lý môi trường, quy hoạch đất đai….
+ VAFI đề nghị chỉ có những thay đổi lớn đối với loại dự án quan trọng thì nhà đầu tư phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhà đầu tư phải tuân thủ các qui định pháp luật hiện hành khi có sự điều chỉnh dự án.
4/ Về hình thức cấp ưu đãi đầu tư :
– Điều 42, 43 của Dự thảo qui định cơ quan quản lý đầu tư có quyền cấp, thu hồi ưu đãi đầu tư. Việc cấp , thu hồi được ghi trong qua giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép đầu tư. Như vậy là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy phép đầu tư được tăng giá trị qua việc ghi ưu đãi trong các giấy này, tuy nhiên cơ quan quản lý đầu tư khó mà biết được những ưu đãi đã cấp có đúng hay không vì dự án chưa thực hiện và sẽ có nhiều thay đổi trong thực tế triển khai dự án. Cơ quan quản lý đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm 100% về tính chính xác của việc cấp các ưu đãi đầu tư, nhưng cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm, trên thực tế cơ quan thuế là tổ chức có quyền xét quyết định và chịu trách nhiệm về ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp.
– Vậy thì tại sao chúng ta không đổi mới việc cấp ưu đãi đầu tư ? Tại sao có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc cấp ưu đãi đầu tư ( Bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND tỉnh thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở chuyên ngành, ) trong khi đó không có cơ quan nào chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc xét đầu tư.
– Thực tế Cộng đồng doanh nghiệp không muốn xin ưu đãi trước vì tốn kém, phức tạp nhưng vì Luật mà họ phải làm.
– Chúng ta cần học kinh nghiệm từ việc bỏ giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá. Từ cách đây 5 năm, khi Nghị định 64 về cổ phần hoá qui định doanh nghiệp cổ phần hoá được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước như doanh nghiệp thành lập mới và không phải xin giấy ưu đãi đầu tư. Trên 1500 DN cổ phần hoá được hưởng thuận lợi này, doanh nghiệp không phải mất tiền bạc và thời gian ( khoảng 3 tháng ) để chạy giấy ưu đãi đầu tư nữa. Chúng tôi mong muốn càng giảm bớt các cơ quan tham gia cấp ưu đãi càng tốt và giao cho hệ thống cơ quan thuế chịu trách nhiệm. Nếu Ban soạn thảo còn phân vân về vấn đề này thì nên tổ chức phát phiếu thăm dò với cộng đồng doanh nghiệp. Vì đây là qui định liên quan đến quyền lợi doanh nghiệp và nên trao cho doanh nghiệp quyết định hình thức cấp ưu đãi,
5/ Về thẩm quyền quyết định dự án đầu tư (Điều 55):
– Hiện nay công tác quản lý nhà nước về đầu tư và Dự án đầu tư có rất nhiều Bộ Luật chuyên ngành qui định :
+ Luật Xây dựng qui định về xây dựng, an toàn xây dựng, phạm vi điều chỉnh của các bên liên quan, cho nên những công trình xây dựng của doanh nghiệp đã chịu sự chi phối của Bộ Luật này.
+ Luật môi trường cũng qui định cụ thể về quản lý nhà nước về môi trường, những dự án của doanh nghiệp phải tuân thủ những điều kiện về môi trường, có lẽ không có doanh nghiệp nào dám xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất mà gây ô nhiễm môi trường bởi vì nếu doanh nghiệp làm sai thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm
+ Luật Đất đai qui định công tác quản lý nhà nước về đất đai, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ
+ Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện như Bảo hiểm, Ngân hàng, Chứng khoán, bệnh viện, sản xuất thuốc, bưu chính viễn thông, kinh doanh hàng không , hàng hải….đã có đầy đủ các Luật chuyên ngành chi phối. Những vấn đề cơ bản về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư… đều phải xin phép các cơ quan chuyền nghành và mọi doanh nghiệp đều phải lập dự án để các cơ quan chuyên ngành thẩm định.
– Trên cơ sở phân tích trên và để Luật ĐTC không được trái với các Luật chuyên ngành, không làm phức tạp bộ Luật và loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, VAFI đề xuất thẩm quyền quyết định dự án đầu tư như sau :
+ Dự án phổ thông do nhà đầu tư quyết định, không phải xin phép sự chấp thuận của bất kỳ cơ quan nào, không phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chỉ cần đăng ký đầu tư theo mẫu để thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Dự án phổ thông có điều kiện do nhà đầu tư quyết định, không phải xin giấy phép đầu tư, nhà đầu tư đăng ký đầu tư bằng cách nộp mẫu đăng ký đầu tư cùng với các tài liệu chứng minh về việc đáp ứng các điều kiện mà pháp luật qui định và sau 7 ngày làm việc nhà đầu tư sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
+ Dự án quan trọng do nhà đầu tư quyết định sau khi được Bộ quản lý chuyên ngành hoặc Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư
+ Dự án quan trọng quốc gia được QH thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng CP cho phép nhà đầu tư quyết định đầu tư .
6/ Quan điểm của VAFI về quản lý nhà nước về đầu tư và Dự án đầu tư :
– Dự thảo Luật ĐTC đã phân định được Danh mục ngành nghề cấm đầu tư, danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện và danh mục khuyến khích đầu tư, hy vọng rằng những danh mục này sẽ được cụ thể chi tiết trong văn bản dưới Luật. Dự án đầu tư trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện nên để các Luật chuyên ngành điều chỉnh, tránh tình trạng trùng lắp và xung đột với Luật chuyên ngành. Chúng tôi rất e ngại với Điều 5 của Dự thảo “ Trường hợp có sự khác nhau giữa qui định của Luật này và qui định của luật khác về cùng 1 vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này thì áp dụng theo qui định của Luật này. Hoạt động đầu tư đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng qui định của luật đó “. Cách viết như vậy không rõ ràng, tuy nhiên như đã phân tích tại điểm 2.2 của công văn này : dự án không sử dụng vốn nhà nước thuộc lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng được xác định là Dự án quan trọng và phải trình Thủ tướng Chính phủ, nếu vậy thì Dự thảo LĐTC sẽ bao trùm lên Luật chuyên ngành.
– Quản lý nhà nước về đầu tư là việc nhà nước đưa ra những qui định về điều kiện kinh doanh , hoạt động kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, điều kiện về môi trường, tiêu chuẩn về xây dựng, phân định về quy hoạch sử dụng đất đai…. doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thực hiện và có chính sách chế tài đối với những vi phạm của doanh nghiệp để bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh. Chỉ có rất ít những qui định mà doanh nghiệp phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước như mặt bằng kinh doanh, giấy phép kinh doanh , giấy phép xây dựng…..
– Quản lý nhà nước về Dự án đầu tư không có nghĩa là cơ quan nhà nước đi thẩm định tính khả thi của dự án, nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp được và cũng không có nghĩa là cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong vòng 7 ngày là bảo đảm kiểm soát được đầu tư.
– VAFI luôn mong muốn có 1 môi trường đầu tư thông thoáng , lành mạnh, an toàn để tăng cường thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Bất kỳ nhà đầu tư nào đều không mong muốn 1 môi trường đầu tư không minh bạch, nhiều trở ngại về thủ tục hành chính và vô chính phủ. Những kiến nghị của VAFI gần đây không đề nghị buông lỏng quản lý nhà nước về đầu tư hay kêu gọi mở cửa bằng bất cứ giá nào, VAFI chỉ kiến nghị cần loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết đã và sẽ cản trở đầu tư. Trên thực tế, thủ tục hành chính về đầu tư là một rủi ro lớn trong kinh doanh và nhiều nhà đầu tư đã gặp thất bại khi thực hiện dự án đầu tư.