Tăng cường thu hút vốn và công nghệ quản lý Từ ngân hàng nước ngoài

Những năm gần đây, khối Ngân hàng thương mại nhà nước, khối ngân hàng tư nhân có 1 số tiến bộ như cổ phần hóa, niêm yết, thu hút vốn từ nhiều cổ đông tổ chức, cá nhân, khắc phục các mặt yếu kém về quản trị doanh nghiệp và giảm bớt nợ xấu… Tuy nhiên khi nhìn tổng thể thì Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) nhận thấy Ngân Hàng Nhà Nước chưa có những giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ tận gốc nguy cơ quản lý yếu kém, tham nhũng, lạm quyền trong khối ngân hàng thương mại nhà nước và khối ngân hàng tư nhân.

Nhìn sang khối ngân hàng nhà nước hoạt động kinh doanh tại VN, có thể dễ dàng nhận thấy rằng tiêu cực tham nhũng rất ít xảy ra, chưa thấy cán bộ ngân hàng nào ở khối này phải vào “Lò” ; Nợ xấu ở mức vô cùng thấp so với khối ngân hàng trong nước và họ không làm thất thoát vốn của nhà nước, không cần sự trợ giúp đặc biệt từ Ngân hàng nhà nước.

Khối ngân hàng nước ngoài hoạt động tại VN đa phần đều là những ngân hàng toàn cầu mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng thế giới. Để làm cho hệ thống ngân hàng trong nước thực sự lành mạnh và phát triển bền vững, cần phải mở ra khuôn khổ pháp lý để khối ngân hàng trong nước có điều kiện thuận lợi thu hút vốn và công nghệ quản lý từ các ngân hàng nước ngoài và với mục tiêu không còn mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực tham nhũng và nợ xấu phát triển.

Từ cách đặt vấn đề như trên, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có những kiến nghị sau:

1/ NHNN cần chủ động tích cực hợp tác với Nhóm công tác khối ngân hàng nước ngoài tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp VN ( VBF ) để họ tư vấn, cung cấp thông tin về kinh nghiệm quản trị ngân hàng, quản trị nhân sự, quản trị tín dụng, kinh nghiệm mời gọi hợp tác góp vốn mua cổ phần … để từ đó có những chính sách hữu hiệu quản lý hệ thống ngân hàng trong nước hiệu quả.

2/ NHNN cần có những qui định mới trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cho hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng tư nhân trong nước theo thông lệ quản trị tiên tiến nhất, theo hướng :

– Qui định bắt buộc :

+ Cấm thành viên HĐQT, chủ ngân hàng, thành viên Ban điều hành … xung đột lợi ích , xâm phạm lợi ích công ty, qui định chế tài cụ thể ;

+ Công tác tuyển dụng phải đảm bảo chất lượng, khách quan. Phải tạo ra cơ chế để không một ai trong ngân hàng ( từ Chủ tịch, TGĐ, Giám đốc nhân sự … ) dùng ảnh hưởng cá nhân để tuyển dụng hay bổ nhiệm những người không hội đủ năng lực, phẩm chất .

– Quy định hướng dẫn : Tổng hợp những kinh nghiệm hay từ khối NH nước ngoài, cung cấp thông tin tư vấn để giúp các ngân hàng xây dựng qui chế tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự tốt nhất ;

3/ NHNN cần ban hành qui chế cho vay tín dụng để đảm bảo qui trình cấp tín dụng là chặt chẽ và có trách nhiệm. Nghiêm cấm các hành vi thông đồng, trục lợi, tham nhũng trong cho vay vốn. Phải tạo cơ chế để hội đồng tín dụng thực sự hoạt động có trách nhiệm và độc lập. Không một ai trong ngân hàng ( từ chủ tịch, TGĐ hay cổ đông chi phối …) có quyền áp đặt chủ quan  quyết định việc cấp tín dụng mà đi ngược lại ý kiến của tập thể. Cơ chế cho vay vốn của NH nước ngoài là như vậy, với những dự án không khả thi hay chưa rõ ràng thì TGĐ, chủ tịch HĐQT … không thể ra quyết định chủ quan được.

4/ Phải quyết liệt thay đổi cơ cấu cổ đông trong khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, ngân hàng tư nhân theo hướng :

– Giảm tỷ trọng cổ phần nhà nước;

– Phải thực sự chấm dứt tình trạng NH cổ phần là 1 thành viên của tập đoàn tư nhân, do các thành viên góp vốn và cung cấp tín dụng cho các thành viên…

– Chủ tịch HĐQT của NHCP phải hoạt động chuyên nghiệp, không kiêm nhiệm các chức vụ khác và về thực chất không phải là chủ tịch của 1 tập đoàn. Nếu 1 tập đoàn tài chính có tham gia góp vốn thì Chủ tịch củ Tập đoàn đó không được trực tiếp làm Chủ tịch NHCP mà phải cử đại diện chuyên trách.

– Khuyến khích các tổ chức trong nước và nước ngoài tham gia góp vốn mua cổ phần ;

– Mở room để mời gọi ngân hàng nước ngoài có uy tín ( NHNN ban hành tiêu chuẩn ) tham gia, qua đó dễ dàng thu hút vốn và công nghệ của họ :

+ Với NHCP kinh doanh hiệu quả, room nên là 49% , cho phép 1 NH nước ngoài tham gia mua tối đa 40% và phải nắm giữ trong thời hạn tối thiểu 5 năm. Nếu chuyển nhượng thì cũng phải chuyển cho 1 NH nước ngoài khác có uy tín. Đặt ra điều kiện này hơi chặt chẽ nhưng để đảm bảo NHCP không bị tham nhũng hay thao túng bởi những cổ đông xấu.

– Với những ngân hàng yếu kém, hoạt động không hiệu quả thì cho phép NHNN có uy tín và tiềm lực tài chính mạnh mua tối đa 100% và với các điều kiện chuyển nhượng như trên.

Trong 4 giải pháp mà VAFI đề xuất thì giải pháp mở room là quan trọng nhất.

Bằng văn bản kiến nghị này, hi vọng rằng với những năm còn lại của nhiệm kỳ, Thống đốc sẽ để lại dấu ấn là Thống đốc tạo những chính sách quản lý đột phá nhất để nâng tầm quản trị hệ thống ngân hàng VN ngang bằng các nước phát triển trong khu vực, quan trọng hơn là phải tạo cơ chế không còn phát sinh tham nhũng, quản lý yếu kém, nợ xấu cao.

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133