Tiến trình cổ phần hoá DNNN trong 6 tháng đầu năm 2008 gần như ngừng trệ do ảnh hưởng của TTCK cộng với tình hình kinh tế khó khăn và một số nhân tố khác, trước tình hình này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin có một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá DNNN, đồng thời đề xuất cơ chế tăng cường nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp đối với đối tượng công ty nhà nước không thực hiện cổ phần hoá :
1/ Phân tích những nguyên nhân làm cho tiến trình cổ phần hoá bị ngừng trệ :
– Từ đầu năm 2008 đến gần thời điểm hiện tại, TTCK liên tục sụt giảm, trước tình hình này các cơ quan quản lý nhà nước có chủ trương giảm nguồn cung hàng hoá từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng cũng như giãn tiến độ cổ phần hoá các DNNN – Việc giảm nguồn cung hàng hoá cho TTCK là 1 chủ truơng đúng .
– Có nhiều ý kiến cho rằng nếu tiếp tục IPO ồ ạt các DNNN thì chẳng những ảnh hưởng đến sự ổn định của TTCK mà còn làm giảm thu lớn ngân sách nhà nước từ việc bán tài sản – Đây cũng là 1 ý kiến đúng .
– Tuy nhiên đến thời điểm nào mới tiếp tục tiến trình cổ phần hoá DNNN ? Và rằng nếu tiếp tục tiến trình cổ phần hoá DNNN theo cách làm cũ thì lại ảnh hưởng đến sự hồi phục của TTCK ?
– Sự chậm trễ trong việc cổ phần hoá DNNN, nhất là với đối tượng là tổng công ty nhà nước, DNNN qui mô vốn lớn sẽ tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực sau :
+ Tiếp tục kéo dài cơ chế quan liêu bao cấp, cơ chế xin cho, cơ chế can thiệp hành chính từ cơ quan chủ quản….làm việc sử dụng vốn nhà nước không đạt được hiệu quả cao, thậm chí mất vốn nhà nước….
+ Không tạo được cơ chế sử dụng và thu hút người tài, không giải quyết được cơ bản cơ chế tiền lương, tiền thưởng theo cơ chế thị trường. Những DNNN qui mô vốn lớn sẽ bị mất dần thương hiệu, mất dần giá trị vô hình khi nhân lực chủ chốt trong DNNN chuyển dịch sang khu vực tư nhân.
+ Đại bộ phận DNNN hiện nay chưa có cơ chế bắt buộc trong công khai minh bạch tình hình tài chính như các công ty đại chúng, công ty niêm yết, vì vậy tình trạng tiêu cực, tham nhũng tồn tại trong 1 bộ phận DNNN.
+ Nếu càng chậm trễ cổ phần hoá DNNN thì DNNN càng mất sức cạnh tranh bấy nhiêu và đến khi cổ phần hoá thì giá trị doanh nghiệp sẽ bị giảm đi nhiều, điều đó đồng nghĩa với việc tài sản nhà nước bị thất thoát
– Từ sự phân tích trên, vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay là làm thế nào để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá DNNN mà không làm ảnh hưởng đến sự hồi phục của TTCK cũng như không làm giảm nguồn thu từ việc bán phần vốn nhà nước ?
2/ VAFI đề xuất kỹ thuật cổ phần hoá trong bối cảnh hiện nay :
2.1. Doanh nghiệp mà cổ phần nhà nước chiếm đa số tuyệt đối, thậm chí đến 99%/ vốn điều lệ vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với loại hình DN mà nhà nước chiếm 100%/ VĐL :
– Những căn cứ để khẳng định luận điêm trên :
+ Những doanh nghiệp mà nhà nước chiếm đến 99%/VĐL đã không còn là doanh nghiệp 1 chủ sở hữu mà đã trở thành 1 CTCP có nhiều cổ đông tham gia ( nếu có chính sách bán rộng rãi cổ phần cho người lao động và nhà đầu tư bên ngoài tham gia ). Khi đã trở thành công ty đại chúng thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thường xuyên công bố thông tin, như vậy tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp đã được cải thiện .
+ Đã là CTCP thì doanh nghiệp tạo được cơ chế trả luơng và thu nhập theo cơ chế thị trường, mà không hề bị ràng buộc theo cơ chế bảng lưong được ấn định từ cơ chế nhà nước – Đây là 1 động lực để phát triển doanh nghiệp .
+ Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu một sức ép lớn hơn trước rất nhiều là phải tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp nhằm đủ nguồn để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông theo mặt bằng chung của thị trường.
+ Hiện nay có 1 tình trạng phổ biến trong các Tổng công ty nhà nước là không chú trọng đến việc đạt được 1 tỷ suất lợi nhuận bình quân như các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, họ không chú trọng hoặc không có khả năng làm cho lợi nhuận của bộ phận văn phòng tổng công ty cao, mà chỉ cần có ít lợi nhuận . Việc chuyển các Tổng công ty nhà nước thành CTCP sẽ làm bộc lộ nhân sự yếu kém để cơ quan chủ quản có điều kiện thay thế nhân sự, đồng thời làm tăng hiệu quả hoạt động của các Tổng công ty nhà nước và tập đoàn kinh tế nhà nuớc.
+ Khi đã trở thành CTCP sẽ mở ra nhiều hình thức huy động vốn mới như phát hành cổ phiếu, trả cổ phiếu bằng cổ tức….Đây là những tiền đề quan trọng để tăng cường khả năng tài chính của công ty mẹ.
+ Thực tiễn về cổ phần hoá DNNN trong 15 năm qua đã chỉ ra rằng :
> Có 1 số DNNN kinh doanh liên tục thua lỗ, đến khi cổ phần hoá thì gặp tình trạng khó bán cổ phần, cổ phần nhà nước chiếm trên 90%/VĐL, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đa phần đối tượng này kinh doanh hiệu quả và từ đó làm nền tảng cho việc bán bớt hoặc bán hết cổ phần nhà nước.
> Có những DNNN kinh doanh hiệu quả, khi cổ phần hoá huy động vốn lớn trong bối cảnh chưa có TTCK hoặc TTCK bị khủng hoảng ( giai đoạn 2001 – 2003), khi chuyển thành CTCP thì nhà nước nắm cổ phần đa số tuyệt đối, nhưng cũng chỉ 1 thời gian ngắn sau cổ phần hoá, những doanh nghiệp đó đã tái cơ cấu được cổ phần nhà nước.
2.2. Cần xác định mục tiêu ưu tiên của cổ phần hoá DNNN trong giai đoạn hiện nay :
– Theo chính sách cổ phần hoá hiện hành thì chúng ta đưa ra nhiều mục tiêu cổ phần hoá DNNN như : Thay đổi cơ chế quản lý, huy động vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược, tạo hàng hoá cho TTCK….Đặt ra những mục tiêu này là hoàn toàn đúng đắn nhưng trong bối cảnh của TTCK hiện nay thì khi cổ phần hoá các DNNN, chúng ta không thể cùng 1 lúc đạt được ngay các mục tiêu này.
– Nếu chúng ta chỉ đặt mục tiêu ưu tiên là hoàn thành thủ tục chuyển đổi công ty nhà nước thành CTCP mà nhà nước tạm thời nắm cổ phần đa số ( có thể trên 95%/VĐL đối với những tập đoàn kinh tế lớn ) thì những mục tiêu quan trọng khác sẽ được giải quyết nhanh sau 1 thời gian ngắn của hậu cổ phần hoá.
– Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá DNNN mà không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của TTCK thì :
+ Tạm thời chấp nhận cổ phần đa số của nhà nước, có thể lên tới 95%/VĐL
+ IPO 1 lượng nhỏ cổ phiếu, số lượng phát hành không quá 50 tỷ đồng theo mệnh giá.
– Giải quyết vấn đề bán cổ phần cho đối tác chiến lược :
+ Vấn đề đảm bảo tốc độ cổ phần hoá DNNN phải là ưu tiên số 1.
+ Đàm phán, lựa chọn đối tác chiến lược mất rất nhiều thời gian ( từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí 2 năm , 3 năm), vì vậy không nên đặt vấn đề là đàm phàn lựa chọn xong đối tác chiến lược thì mới thực hiện IPO.
+ Các cơ quan chỉ đạo cổ phần hoá nêu ưu tiên tốc độ hoàn thành thủ tục chuyển thành CTCP, còn đối tác chiến lược có thể thực hiện sau cổ phần hoá là tốt nhất .
– Kỹ thuật cổ phần hoá mà VAFI đề xuất hoàn toàn phù hợp với qui định hiện hành, với phương pháp này chúng ta hoàn toàn có thể đẩy nhanh tiến trình CPHDNNN mà vẫn đảm bảo kiểm soát nguồn cung, đồng thời sẽ tạo 1 lượng hàng hoá có giá trị gia tăng lớn cho nhà nước trong việc bán bớt cổ phần nhà nước khi điều kiện cho phép.
3/ Thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp cho đối tượng mà nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ :
– Các văn bản hiện hành về công ty nhà nước đã qui định 1 số đối tượng doanh nghiệp không cổ phần hoá hoặc chưa cổ phần hoá, tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm cách nào để nâng cao quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp này nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước ?
– Cần phân loại đối tượng doanh nghiệp này :
+ Những doanh nghiệp nhà nước do vấn đề bí mật về an ninh quốc phòng mà không thể công bố thông tin ra công chúng thì được xác định là doanh nghiệp mà nhà nước cần nắm giữ 100%/VĐL.
+ Những đối tượng doanh nghiệp còn lại chưa thể cổ phần hoá hay không cổ phần hoá do được xác định là những doanh nghiệp quan trọng thì nên chuyển sang hình thức CTCP mà nhà nước nắm giữ trên 90%/VĐL. Việc chuyển đổi này chỉ có lợi cho nhà nước mà thôi.
+ VAFI hy vọng rằng các cơ quan hoạch định chính sách về đổi mới doanh nghiệp nên tiếp thu giải pháp này và mong rằng khoảng 7 năm nữa thì diện đối tượng doanh nghiệp mà nhà nước cần nắm giữ 100% vốn sẽ giảm khoảng 90%.