Tiếp tục kiến nghị Sabeco & Habeco thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn nhà nước

Sau khi Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) có văn bản 863/HHĐTTC ngày 10/05/2016 gửi Bộ Công thương  đề nghị Sabeco & Habeco phải thực hiện ngay việc niêm yết theo  QĐ 51/2014/QĐ-CP ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đại diện của Sabeco ( ông Lê Hồng Xanh – PTGĐ Sabeco ) và đại diện Bộ Công thương ( ông Phan Đăng Tuất – Vụ trưởng, thường  trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp của Bộ Công thương có phản hổi rằng “ Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên đã không thực hiện niêm yết, họ vin rằng để Sabeco được niêm yết thì cổ phần nhà nước phải dưới 80%/vốn điều lệ ”, về việc này VAFI có ý kiến như sau :

1/ VAFI khẳng định Sabeco & Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết :

– Tại Điểm d Điều 8 nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 của Chính phủ qui định chi tiết  thực thi một số điều của Luật Chứng khoán có qui định “… 1 trong những điều kiện  để doanh nghiệp được niêm yết thì tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ …” Nếu chiểu theo qui định này thì Sabeco và Habeco không đủ điều kiện niêm yết tại thời điểm đó vì cổ phần nhà nước chiếm tới gần 90% tại Sabeco và 82% tại Habeco ;

– Tuy nhiên Chính phủ đã kịp thời  ra  Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc đó để tạo điều kiện cho nhiều DNNN lớn thực hiện  cổ phần hóa gắn với niêm yết chứng khoán. Những ví dụ cụ thể như : Vietinbank thực hiện niêm yết vào ngày 3/7/2009 với tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ 89%/VĐL; Vietcombank niêm yết tháng 9/2009 với tỷ lệ cổ phần nhà nước là 90%/VĐL…

– Để thể chế hóa pháp luật, ngày 2/8/2010 Chính phủ ban hành Nghị định 84/2010/NĐ-CP nhằm sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 trong đó tại Điểm 9 Điều 1 có nội dung : Sửa đổi Điểm d Khoản 1 Điều 8 như sau : “Tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước  chuyển đổi thành công ty cổ phần theo qui định của Thủ tướng chính phủ”  – Qui định sửa đổi có ý nghĩa rằng mọi DNNN đã cổ phần hóa mà kinh doanh có lãi và có trên 100 cổ đông đều đủ tiêu chuẩn niêm yết, không tính tới việc cổ đông bên ngoài nắm giữ bao nhiêu cổ phần .

– Cho tới Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 thay thế cho các NĐ kể trên và có hiệu lực cho tới nay đều cho phép các DNNN thực hiện cổ phần hóa phải gắn với việc niêm yết, bất kể tỷ trọng nhà nước là bao nhiêu, chẳng hạn như BIDV đang niêm yết với cổ phần nhà nước chiếm tới 95%/vốn điều lệ ;

– Những cá nhân đại diện cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco có hiểu biết phát luật sơ đẳng  về  niêm yết DNNN thực hiện cổ phần hóa hay không ?

+ Cách đây 5 năm, VAFI có đề nghị HĐQT Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết, họ cũng viện dẫn Sabeco và Habeco không đủ điều kiện niêm yết với lý do trên, sau khi VAFI phân tích, họ có ra nghị quyết Đại hội cổ đông về việc niêm yết nhưng đó chỉ là kế hoãn binh và những người đại diện vốn nhà nước đã cố tính không thực hiện chủ trương của nhà nước.

+ Tại sao Thủ tướng lệnh mà cấp dưới không nghe vì họ không thích sự minh bạch, tuy nhiên việc không chấp hành lệnh của thủ tướng là chống lại việc thi hành nhiệm vụ quản lý vốn mà nhà nước giao cho người đại diện ;

2/ Bộ Công thương cần xem xét lại năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tuân thủ chỉ đạo từ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (chính phủ ) của những người đang trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco & Habeco :

– Tất cả những người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco đã cố tình vi phạm pháp luật về niêm yết chứng khoán, không chấp hành lệnh của Thủ tướng chính phủ là muốn các doanh nghiệp cổ phần hóa phải  thay đổi mạnh mẽ phương thức  quản trị doanh nghiệp đồng thời tạo hàng hóa có chất lượng để phát triển thị trường chứng khoán. Những hành động chống đối niêm yết là đã xâm phạm lợi ích của tất cả cổ đông, tước đi quyền và lợi ích của các cổ đông  và hạ thấp giá trị của chứng khoán . Vi phạm này thuộc diện phải  kỷ luật theo Nghị định 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 của chính phủ về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ .

– Việc điều 1 số cán bộ công chức từ Bộ Công thương xuống doanh nghiệp làm thành viên Hội đồng quản trị là không đủ tiêu chuẩn, chẳng hạn việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà, Chánh văn phòng Bộ Công thương về làm Chủ tịch HĐQT Sabeco là 1 điều nguy hiểm về quản trị doanh nghiệp vì ông Hà chỉ giỏi về nghiệp vụ thư ký, không có kinh nghiệm và thành tích về quản trị doanh nghiệp. Bộ Công thương nên hiểu rằng Chủ tịch HĐQT phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải có nhiều thành tích xuất sắc về quản trị doanh nghiệp, phải kinh qua thử thách tại nhiều vị trí công tác tại doanh nghiệp. Chủ tịch Sabeco về năng lực ít ra phải bằng 20% năng lực của những người như Trương Gia Bình, Mai Kiều Liên , Lê Quang Danh….Chứ không thể chọn 1 người lơ mơ về quản trị doanh nghiệp như ông Võ Thanh Hà với câu nói nổi tiếng “ vai trò của cổ phần hóa tại Sabeco trong 8 năm qua là mờ nhạt….vậy cổ phần hóa vì mục đích gì, cần nêu rõ”. Sabeco không thiếu gì người tài với năng lực quản trị gấp gấp nhiều lần so với ông Hà vậy tại sao Bộ Công thương không chọn ?        

– Về trường hợp ông Vũ Quang Hải sinh năm 1986 được Bộ Công thương cử về Sabeco với chức danh Thành viên HĐQT – Phó tổng giám đốc Sabeco, VAFI có phân tích như sau :

+  Ông Vũ Quang Hải từng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí ( PVFI ) từ năm 2011 khi ông mới 25 tuổi, với thành tích kinh doanh nổi bật : Năm 2011 lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng, tổng cộng trong 2 năm vị Tổng giám đốc trẻ tuổi này làm lỗ trên 220 tỷ đồng trên vốn điều lệ 300 tỷ. Điều đáng nói là PVFI được thành lập năm 2007 thì cả 3 năm sau đó ( 2008, 2009, 2010 )  PVFI đều có lãi .

+ Với thành tích trên theo qui định hiện hành ông VQH bị miễn nhiệm, tuy nhiên ông VQH đã cao chạy xa bay, về trú ẩn tại Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương với chức danh Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu

+  Sự  ra đi của VQH kéo theo sự tháo chạy của nhiều chức danh chủ chốt tại PVFI, rồi vị TGĐ kế nhiệm cũng ra đi, chắc rằng PVFI dưới sự chèo lái của  VQH thì PVFI đã lỗ nặng trên con số  220 tỷ đồng  và  PVFI đã gần như tê liệt mọi hoạt động như 1 con tàu đã bị đắm chỉ còn chờ thanh lý tài sản ;

+ Sau khoảng hơn 1 năm làm công chức tại Bộ Công thương, vị thuyền trưởng  con tàu đắm PVFI lại xuất hiện tại Sabeco với lý lịch mới : “ Ông Vũ Quang Hải với chức danh hàm Vụ phó được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Sabeco. Mục đích của bổ nhiệm nhằm tăng cường nhân sự trẻ, có năng lực & kinh nghiệm quản lý điều hành doanh nghiệp làm tiền đề cho việc trẻ hóa nguồn cán bộ lãnh đạo của Sabeco” ;

+ Qua phân tích trên, VAFI xin hỏi Bộ Công thương là việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải có đúng qui định của nhà nước hay không ?

– VAFI cho rằng nếu như Sabeco & Habeco được niêm yết sớm và nếu như Bộ Công thương lựa chọn được nhân sự giỏi làm người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì giá trị tài sản nhà nước tại 2 doanh nghiệp này phải cộng thêm ít nhất 1 tỷ đô la nữa .

3/ Bán hết vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco là  lựa chọn cực kỳ thông minh :

– Hiện nay nhiều Tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Bộ Công thương quản lý đều lâm vào tình trạng kinh doanh không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ và trở thành doanh nghiệp ốm yếu như Tập đoàn hóa chất, TKV, Vinasteel…Giá trị tài sản và vốn nhà nước giảm đi rất nhiều do yếu kém trong quản trị doanh nghiệp;

– VAFI không hy vọng vào giải pháp là Bộ Công thương sẽ lựa chọn được nhân sự giỏi để quản lý vốn nhà nước – Đây chỉ là giải pháp tính thế ;

– Khi ta đưa ra phương án bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại Sabeco, Habeco , giá trị doanh nghiệp sẽ đạt được giá tối đa, còn nếu nhà nước tiếp tục nắm giữ 36% cổ phần, tức là tiếp tục nắm giữ quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông và có thể tiếp tục cử cán bộ không đủ năng lực tham gia HĐQT thì giá bán sẽ giảm và như vậy thu ngân sách sẽ giảm rất nhiều ;

– Có ý kiến cho rằng nếu bán toàn bộ cổ phần nhà nước thì 2 thương hiệu Sabeco và Habeco sẽ lọt vào tay nhà đầu tư nước ngoài . Khả năng này có thể xảy ra nhưng thương hiệu Sabeco và Habeco không mất, nếu không còn thương hiệu này thì coi như nhà đầu tư nước ngoài tự sát.

– Sau khi thoái toàn bộ vốn tại Sabeco và Habeco, VAFI tin rằng quản trị doanh nghiệp sẽ tốt lên, thu ngân sách từ các loại thuế , phí sẽ tăng lên còn nếu chậm trễ trong việc thoái vốn hoặc thoái vốn nửa vời cộng với năng lực quản trị yếu kém thì rất có thể nhà nước sẽ không thu được bao nhiêu từ việc thoái vốn sau này .

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133