Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) xin liệt kê 10 trở ngại cơ bản mới cho nhà đầu tư trong nước theo Dự thảo Luật Đầu tư chung (Dự thảo lần thứ 13 ), Liệt kê và so sánh này trên cơ sở đối chiếu với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước :
Nhận xét về Dự thảo Luật Đầu tư chung được biên soạn lần thứ 13 và mới hoàn thành ngày 8/8/2005. Dự thảo đợt này có tiến bộ hơn so với các lần trước ở 1 số điểm :
– Bỏ giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, thay vào đó doanh nghiệp xác định mức ưu đãi của mình và làm thủ tục với cơ quan thuế và không phải qua nhiều cơ quan xét duyệt như trước. Qui trình thủ tục xin hưởng ưu đãi sẽ như các DN cổ phần hoá.
– Các Dự án dưới 5 tỷ đồng không phải xin giấy chấp thuận đầu tư .
– Lược bớt 1 số đối tượng dự án không phải là Dự án quan trọng ;
– Việc thay đổi nội dung của những Dự án phổ thông sẽ không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Tuy nhiên, mức độ tiếp thu của Ban soạn thảo Luật mới chỉ được 15% so với yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tại Hội thảo ngày 13/8/2005 để lấy ý kiến về xây dựng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư diễn ra tại Hà Nội do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội & Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức, tất cả các doanh nghiệp đều không ủng hộ Dự thảo Luật Đầu tư lần thứ 13 vì đang còn quá nhiều vấn đề bất cập.
Nhà đầu tư trong nước được lợi gì từ Dự thảo LĐTC này ? Lợi thì chưa thấy đâu bởi có quá nhiều cản trở đầu tư mới phát sinh.
I/ 10 trở ngại cơ bản của Dự thảo Luật Đầu tư so với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước:
1/ Dự án phổ thông từ 5 tỷ đồng – 300 tỷ phải làm nhiều thủ tục để xin Giấy chấp thuận đầu tư tại Cơ quan quản lý đầu tư và chịu thêm 1 cơ quan thanh tra mới là thanh tra đầu tư . Đây là những vấn đề mới mà Luật KKĐT không qui định.
Hiện có rất nhiều cơ quan thanh tra doanh nghiệp như các đơn vị thanh tra : tài chính, thuế, môi trường, xây dựng, sử dụng đất đai, lao động, hình sự, cứu hoả, thống kê… Ngoài ra còn có các cơ quan thanh tra chuyên ngành như thanh tra về chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, hàng hải, bưu chính viễn thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, ….Theo Dự thảo sẽ có thanh tra đầu tư với mục đích thanh tra các Dự án đầu tư. Tuy nhiên bất kỳ dự án đầu tư nào cũng đều phải chịu sự thanh tra của các tổ chức nói trên, không hiểu thanh tra đầu tư sẽ thực hiện những công việc gì ? VAFI e rằng sẽ không tránh khỏi tình trạng trùng lắp về nội dung thanh tra với các cơ quan nói trên và liệu có cần thiết hay không ? Vấn đề hiệu quả của Dự án đầu tư, vấn đề chi tiêu sử dụng vốn, đấu thầu …là thuộc nội bộ doanh nghiệp và đã có Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát doanh nghiệp giám sát rồi.
2/ Dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước có qui mô trên 300 tỷ đồng được coi là Dự án phổ thông có điều kiện, buộc phải thẩm định về tính khả thi của Dự án bởi cơ quan quản lý nhà nước cao hơn, như vậy sẽ thêm nhiều cơ quan hành chính nhà nước tham gia xét duyệt dự án thì mới được cấp phép đầu tư . Đây cũng là vấn đề mới mà Luật KKĐT không qui định.
3/ Bất kỳ dự án đầu tư nào ở doanh nghiệp mà trị giá cổ phần nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên cũng được coi là Dự án phổ thông có điều kiện, như vậy cho dù giá trị dự án chỉ vài tỷ đồng cũng sẽ được coi là Dự án phổ thông có điều kiện. ( Luật hiện hành không qui định) và buộc phải thẩm đinh bởi cơ quan nhà nước để cho phép đầu tư.
4/ Dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện được coi là dự án phổ thông có điều kiện. Như vậy là trong việc thành lập doanh nghiệp ở lĩnh vực đòi hỏi vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh theo qui định hiện hành và theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất thì nhà đầu tư còn phải lập dự án để xin thêm Giấy chấp thuận đầu tư nữa và có thể còn phải được sự chấp thuận thêm của 1 vài cơ quan hành chính mới.
Chẳng hạn như thành lập doanh nghiệp kiểm toán, qui định hiện hành chỉ đòi hỏi 3 Kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề thì được thành lập doanh nghiệp, nếu theo như dự thảo thì nhà đầu tư còn phải lập Dự án đầu tư để xin chấp thuận từ UBND tỉnh hoặc Bộ Kế hoạch đầu tư nữa…
5/ Bất kỳ dự án đầu tư nào có qui mô vốn trên 1500 tỷ đều được coi là dự án quan trọng và phải trình Chính phủ, so với trước có thể thêm vài cơ quan hành chính nhà nước tham gia thẩm định dự án.
Ví dụ : Các dự án xây dựng đô thị mới, ngoài việc xin phép các cơ quan ban ngành của UBND tỉnh, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ chủ quản, Tổng công ty nhà nước nay ( theo dự thảo ) có thể phải xin phép thêm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ….
6/ Dự án không sử dụng vốn nhà nước có qui mô trên 800 tỷ đồng trong lĩnh vực năng lượng, cơ khí chế tạo, ximăng….được coi là dự án quan trọng và phải được thẩm định để cấp phép đầu tư và phải trình chính phủ, so với truớc sẽ thêm vài cơ quan hành chính tham gia xét duyệt dự án nữa.
Ví dụ : tư nhân Xây dựng nhà máy điện, ngoài việc phải xin phép các cơ quan ban ngành có liên quan của UBND tỉnh, xin phép Tổng công ty điện lực, Bộ Công nghiệp, cơ quan quản lý vê xây dựng, nay phải xin phép thêm Bộ kế hoạch và đầu tư ….có quá nhiều cơ quan xét duyệt 1 dự án đầu tư thì doanh nghiệp phải mất nhiều chi phí và thời gian cho việc chạy thủ tục trong khi tình hình thực tế đang thiếu điện trầm trọng. Điều đáng lưu ý là để thẩm định 1 dự án thì có thể phải chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật chuyên ngành, như vậy là nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ cho các cơ quan nhà nước khác nhau.
7/ Bất kỳ dự án đầu tư nào của doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước thì đều được coi như là dự án của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thủ tục ra quyết định sẽ rất phức tạp vì doanh nghiệp đó bị coi là DNNN. Vấn đề đặt ra là thể nào là “ cổ phần chi phối “, trên thực tế 20% đã là chi phối nhưng không có nghĩa là quyết định được tất cả các vấn đề của doanh nghiệp. Nếu dùng thuật ngữ cổ phần chi phối như trên thì sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp cổ phần hoá sẽ được coi là DNNN. Mục đích của cổ phần hoá là trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, giảm bớt sự can thiệp của các cơ quan nhà nước, nay chúng ta lại định áp đặt trở lại cơ chế quản lý DNNN cho các DN cổ phần hoá hay chăng ? ( qui định tại Điểm 5 Điều 54).
8/ Điều 66 qui định bất kỳ dự án đầu tư nào có vốn góp của nhà nước, dù chỉ là thiểu số hoặc không đáng kể thì bắt buộc nhà đầu tư phải tổ chức giám định giá trị và chất lượng thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định. Các Luật hiện hành không qui định điều này, đây không phải là vấn đề kiểm soát đầu tư hay tăng cường quản lý nhà nước mà là sự không hiểu biết về quản lý nhà nước sẽ cản trở đầu tư, hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
9/ Điều 65 qui định bất kỳ dự án nào có xây dựng mà nhà nước có vốn góp dù chỉ là thiểu số hoặc không đáng kể thì việc lập, thẩm định, phê duyệt kỹ thuật, dự toán, tổng dự toán được thực hiện theo qui định của pháp luật về xây dựng. Nếu qui định như vậy thì đã áp đặt đối tượng doanh nghiệp này là DNNN rồi, điều này hoàn toàn không có căn cứ.
10/ Điều 84 qui định bất kỳ dự án đầu tư nào không phân biệt qui mô vốn mà có cổ phần nhà nước chiếm 30% trở lên thì phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án theo qui định của pháp luật về đấu thầu. Qui định này can thiệp quá sâu vào qui chế quản trị doanh nghiệp. Việc quyết định đấu thầu hay chọn thầu là do qui chế tài chính doanh nghiệp quyết định, nếu qui định như trên thì doanh nghiệp sẽ mất cơ hội đầu tư, cản trở đầu tư do phải áp dụng nhiều thủ tục của cơ quan hành chính nhà nước.
II/ Quan điểm của VAFI về quản lý nhà nước về đầu tư và Dự án đầu tư :
Dự thảo Luật ĐTC đã phân định được Danh mục ngành nghề cấm đầu tư, danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện và danh mục khuyến khích đầu tư, hy vọng rằng những danh mục này sẽ được cụ thể trong văn bản dưới Luật. Việc phân loại Dự án nên theo cách thức phân loại này :
– Những Dự án thuộc Danh mục Khuyến khích đầu tư , địa bàn khuyến khích đầu tư, dự án trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… thì nhà đầu tư chỉ cần đăng ký và không phải làm bất cứ thủ tục gì để xin phép giấy chấp thuận đầu tư .
– Những Dự án thuộc Danh mục đàu tư có điều kiện thì tuân theo các Luật chuyên ngành nhằm tránh tình trạng trùng lắp và xung đột với Luật chuyên ngành.
Quản lý nhà nước về đầu tư là việc nhà nước đưa ra những qui định cụ thể rõ ràng về điều kiện kinh doanh , hoạt động kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, điều kiện về môi trường, tiêu chuẩn về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đai…. đồng thời đưa ra những chế tài rất rõ ràng để đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh và Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thực hiện . Chỉ có rất ít những qui định mà doanh nghiệp phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước như mặt bằng kinh doanh, giấy phép kinh doanh .. …..
Quản lý nhà nước về Dự án đầu tư không có nghĩa là cơ quan nhà nước đi thẩm định tính khả thi của dự án, nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp được .
Có quan điểm từ Ban soạn thảo cho rằng cần xây dựng dự thảo Luật như vậy để tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, không buông lỏng quản lý nhà nước về dự án đầu tư. Tuy nhiên việc phát sinh hàng trăm giấy phép con từ Dự thảo Luật ĐTC , việc xuất hiện thêm nhiều cơ quan thẩm định, cấp phép ( không phải các cơ quan chuyên ngành) cho cùng 1 Dự án đầu tư không phải là cách thức tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, không phải là cách thức cải cách hành chính mà ngược lại.
Tại sao Dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất nhận được sự hủng hộ rộng rãi của giới doanh nghiệp và nhà đầu tư ?
Tại sao Luật Khuyến khích đầu tư trong nước không có giấy phép con, ngoại trừ những hạn chế do bối cảnh kinh tế khi soạn thảo Luật ? Phải chăng là những người chủ trì Luật này là những chuyên gia kinh tế công tác tại Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương – 1 cơ quan không dính dáng gì đến việc cấp phép đầu tư.